xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai

Nguyễn Tuấn

(NLĐO)-Gốm Biên Hòa-vang danh một thời, gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất dinh Trấn Biên (Biên Hòa-Đồng Nai) với hơn 325 năm.

Ngược dòng thời gian, các làng gốm ở Biên Hòa dần hình thành, góp phần vào sự phát triển của những khu dân cư sầm uất bên sông vào hơn 300 năm trước.

Gìn giữ nghề gốm

Làng gốm Biên Hòa từng tạo ra những sản phẩm vang danh vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX gắn liền với sự ra đời của Trường Dạy nghề Biên Hòa (1903), nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cung cấp đội ngũ kỹ thuật lành nghề cho các làng gốm của Đồng Nai, Bình Dương.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 1.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 2.

Du khách tham quan các sản phẩm gốm Biên Hòa

Theo UBND TP Biên Hòa, qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử, khoa học, gốm Biên Hòa là thương hiệu gốm Việt duy nhất được định danh trên trường quốc tế, với chất liệu men đặc trưng - men xanh đồng trổ bông, "vert de Bien Hoa".

Dọc theo hai bên bờ sông Đồng Nai thơ mộng, hàng chục cơ sở sản xuất gốm Biên Hòa nằm rải rác ở các phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Tân Vạn, Hiệp Hòa (hay còn gọi là Cù lao Phố).

Lò gốm cổ Phong Sơn-nằm đối diện thương cảng sầm uất một thời Cù lao Phố vẫn mở cửa để đón các đoàn khách là học sinh, sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và trao đổi học thuật về nghề gốm cổ Biên Hòa.

Chị Mai Ngọc Nhi, nghệ nhân lò gốm Phong Sơn (Biên Hòa), chia sẻ: "Thế hệ chúng tôi là đời thứ 5 của gia đình vẫn giữ được gần như nguyên vẹn lò gốm mà cha ông để lại (gần 200 năm). Chúng tôi quyết tâm gìn giữ để thế hệ hiện tại và mai sau biết được lịch sử và truyền thống của nghề gốm Biên Hòa".

Theo nghệ nhân Ngọc Nhi, những dòng gốm làm nên tên tuổi của gốm Biên Hòa là gốm đất đen và gốm mỹ nghệ. Nguyên liệu chính để sản xuất gốm Biên Hòa là đất sét và cao lanh. Trong đó, gốm đất đen được nung trong lò truyền thống, đốt bằng củi. Công đoạn nung được đánh giá là khâu quan trọng nhất quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Mỗi mẻ gốm thường được nung trong khoảng thời gian 10 ngày ở nhiệt độ 1.200 độ C.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 4.

Nghệ nhân Lý Văn Hảo đang “thổi hồn vào đất”

Hơn 40 năm làm nghề "vẽ hình cho đất", ông Lý Văn Hảo (61 tuổi, ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa) luôn cảm ơn vì nghề đã chọn và để ông một lần nữa thấy gốm Biên Hòa hồi sinh.

Ông Hảo và các anh em được cha dạy nghề nhưng chỉ mình ông là theo được nghề. Đó là cái duyên nhắc nhớ ông tận tâm với nghề. "Đất là cha sinh ra hình hài, lửa là mẹ sinh ra thần thái! Từ đất, những người thợ tài hoa cùng rung động chân thành đã giúp đất kể nên những câu chuyện mang đậm cốt cách người dân Nam Bộ bằng gốm" - ông Hảo bộc bạch.

Với khát vọng làm sống lại hào quang một thời của dòng gốm Biên Hòa, anh Mai Thanh Xin, Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa, cho hay tất cả những sản phẩm hoa văn họa tiết đều là thuần Việt. Từ tứ quý, bình bốn mùa, chợ quê, chợ Tết, tranh Đông Hồ đều chuyển thể vào gốm.

"Chúng tôi khát vọng phục dựng và phát triển để gốm thủ công mỹ nghệ Biên Hòa được hòa chung dòng chảy lịch sử cùng các dòng gốm Việt khác. Gốm chúng tôi làm ra mang linh hồn Việt, mang quá khứ đến gần hơn với hiện tại" - anh Xin chia sẻ.

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Cường, gốm đạt chất lượng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc: Nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí. Tiếp theo nhất dáng thì phương pháp khắc chìm và ứng dụng loại men độc quyền vào gốm mới tạo được sự độc đáo, hấp dẫn kỳ lạ và khác biệt cho dòng gốm Biên Hòa.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 5.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 6.

Hình tượng Biên Hòa qua suốt lịch sử tự hào đó được lưu giữ lại qua các di tích đền miếu, chùa chiền... nổi tiếng của Trấn Biên - Biên Hòa xưa nay đều gắn liền với di sản gốm sứ như: chùa Bửu Phong (1616), chùa Long Thiền (1664), chùa Đại Giác (1665), chùa Ông, đình Tân Lân, Nhà hội Bình Trước, Văn miếu Trấn Biên… (Trong ảnh là đình Tân Lân).

Kết nối, quảng bá

Theo kế hoạch, tháng 4-2025, Festival gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai sẽ được UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức với các chuỗi hoạt động triển lãm giới thiệu các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các nghệ nhân trong cả nước.

Là người có nhiều công trình nghiên cứu về gốm Biên Hoà, Th.S Phan Đình Dũng, Trường Đại học Văn hóa TP HCM, chia sẻ nhiều đề xuất, cách làm để bảo tồn và phát huy gốm Biên Hoà.

Cụ thể, đề xuất giải pháp để công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian nhằm tăng cường động lực và tạo nền tảng duy trì nhóm người mang tính đại diện cho di sản văn hóa này; có giải pháp xây dựng bảo tàng gốm Biên Hòa, kết hợp tour du lịch trải nghiệm với các di tích lịch sử dọc tuyến sông Đồng Nai.

Nhà nghiên cứu Phan Đình Dũng cho rằng, để có một chiến lược phát triển gốm với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đòi hỏi phải bao quát và mang giá trị đón đầu tương lai hơn. Bên cạnh đó, buổi đầu phát triển gắn liền với kinh tế đô thị nhộn nhịp của vùng Đông Nam Bộ, kỹ nghệ gốm đậm tính giao thoa và đi cùng thiết chế học thuật là trường nghề, gốm Biên Hòa tự định danh hình ảnh thương hiệu với sự khác biệt lớn so với các thương hiệu gốm quốc gia khác. Vì thế, công tác bảo tồn - phát triển đòi hỏi một giải pháp tương ứng với thương hiệu và tương thích với bối cảnh đương thời hơn.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa (bên trái) cùng các đại biểu trao đổi về các sản phẩm gốm Biên Hòa

Trong khi đó, PGS.TS Phan Thị Thu Hiền, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) đề xuất xây dựng một thành phố sáng tạo, phát huy di sản gốm Biên Hòa gắn với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hiền, với mô hình đã được UNESCO chuẩn hóa này, Biên Hòa có thể tiến tới trở thành một thành phố gốm sứ Việt Nam như thành phố Incheon (Hàn Quốc), Caltagirone (Ý) hay Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc). Khi đó, du khách và cư dân địa phương có thể sống trong không gian văn hóa (living in heritage) đô thị hiện đại vẫn đậm đà hơi thở truyền thống, nơi di sản mỹ nghệ cha ông có thể tiếp tục sức sống của mình cùng với sự phát triển thời đại.

Đồng quan điểm, TS Đặng Thị Phương Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất việc phát triển công việc chủ đề gốm và giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự kế tục thế hệ nghệ nhân để đảm bảo mạch sống của yếu tố truyền thống trên nền công nghiệp sáng tạo.

TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Du lịch gợi ý hình thành không gian thực hành du lịch di sản gắn với hệ sinh thái gốm tại TP Biên Hòa từ "phức thể ký ức - di sản - bản sắc". Điểm đến du lịch sự kiện - lễ hội và sản phẩm du lịch gốm Biên Hòa cần được tái tạo để phổ dụng và mang lại hiểu biết, trải nghiệm thích thú cho du khách. ""Phức thể ký ức - di sản - bản sắc" gắn với hệ sinh thái gốm Biên Hòa thông qua việc thực hành du lịch di sản còn là động lực cho khả năng tăng trưởng bền vững" - TS Minh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho rằng nghề gốm được xem là một trong những "báu vật" của Biên Hòa cần được gìn giữ và bảo tồn nhằm phát huy và lan tỏa các giá trị độc đáo của nó. Một trong những cách thức có thể tôn vinh và nâng tầm giá trị sử dụng, giá trị biểu tượng của gốm Biên Hòa là việc tích hợp khai thác các giá trị của nghề gốm gắn với thực hành du lịch.

“Làng vẽ hình cho đất” dọc sông Đồng Nai - Ảnh 8.

Phối cảnh các kiệt tác gốm Biên Hòa có mặt lần đầu tại con đường ánh sáng Biên Hòa


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo