Tôi từng dành nhiều ngày thong dong khám phá thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), thăm những mái đình cổ kính rêu phong, ngắm sông Đồng Nai hiền hòa chảy.
Nổi tiếng một thời
Qua cầu An Hảo, tôi hỏi thăm đến làng gốm Biên Hòa.
Gọi điện cho người bạn ở phường Hiệp Hòa để nhờ dẫn đường, anh chép miệng thở dài: "Ngày xưa gọi là làng, giờ thì chỉ còn hai điểm đến đó là làng gốm Tân Vạn (thuộc phường Tân Vạn) và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa (phường Hiệp Hòa), nhưng nay chỉ còn vài chục hộ sản xuất gốm cầm chừng thôi em".
Làng gốm Tân Vạn vẫn đỏ lửa, nhưng không còn những lò nung bằng đất mà đã thay thế bằng gas để bảo vệ môi trường. Nhưng đơn hàng ít dần nên các cơ sở sản xuất cầm chừng. Trong câu chuyện của những người thợ gốm là nỗi lo công việc ngày càng ít, buộc các chủ xưởng phải giảm nhân công.
Bác Lý Văn Hùng - một người có khuôn mặt khắc khổ, da rám nắng, đôi mắt sâu thâm quầng, không ngần ngại chia sẻ những khó khăn trong nghề, nhất là chuyện từ sau đại dịch COVID-19 nhiều cơ sở đã không trụ nổi nên đóng cửa. Lương của thợ gốm vì thế cũng ảnh hưởng rất nhiều.
"Xưa, làng gốm Tân Vạn nổi tiếng lắm, chủ yếu sản xuất các đồ gia dụng như lu, hũ, chậu, ghè... Cứ đến mùa nắng nóng kéo dài là thiếu nước, nên rất nhiều chủ buôn ở Tiền Giang, Hậu Giang, ngược dòng lên đây buôn lu. Những chiếc thuyền chất đầy lu đựng nước cứ nườm nượp. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hay tận ngoài đảo Phú Quốc đặt lu để làm nước mắm. Đặt rất nhiều. Còn bây giờ…" - giọng bác Hùng chùng xuống.
Chỉn chu từng khâu
Trong xưởng có 5 nhân công. Tôi ngồi quan sát các thợ gốm làm việc. Quá trình sản xuất lu gốm ở Tân Vạn vẫn cơ bản thủ công.
Một thợ gốm vừa xoay sản phẩm vừa giải thích cho tôi cách chế tác bằng phương pháp dải cuộn, phải trải qua 8 công đoạn gắn bó mật thiết với nhau và đòi hỏi người làm phải thận trọng, tỉ mỉ ở từng khâu: làm đất - nhồi đất - bo đất - khui lỗ - lên đất - xoay ống thẳng - xoay bình có hông bầu - làm nguội.
Người thợ gốm với đôi bàn tay khéo léo và trái tim đầy nhiệt huyết bắt đầu nắn ra hình dáng của chiếc lu. Một chiếc lu lớn, đường kính khoảng 80 cm. Đầu tiên, ông đặt một tấm ván vuông nhỏ lên bục cao khoảng 30 cm - 40 cm, rắc lớp cát để đất không dính vào ván. Sau đó, lấy đất sét đã nhồi dẻo, trải mỏng thành hình tròn của đáy lu, nén phẳng và chặt.
Tiếp theo, ông lấy một con đất đã xe dài như con chạch, một đầu đặt vuông góc với đáy, phần còn lại đặt lên cánh tay phải theo cách dải cuộn. Đất được miết sát đáy lu. Người thợ đi theo vòng tròn xung quanh bục ván gỗ cho đến khi giáp mạch từng phần.
Mỗi lu phải làm mất 2 ngày và người thợ làm đồng thời khoảng 20 cái một lượt. Sau khâu tạo dáng, họ dùng các dụng cụ chuốt phẳng trong và ngoài thân lu cho mất các vết nối. Dùng các bàn vỗ, bàn đập, bàn xoa, đập nén cho chặt và mịn xương gốm.
Lu Tân Vạn không chấm men mà được xối loại nước hỗn hợp tro và bùn. Xối từ miệng xuống đến nửa thân lu rồi để nước tự chảy xuôi xuống đáy. Làm như thế, lu sẽ có lớp nâu đen giữ cho bền mà không thấm nước.
Mong hồi sinh nghề gốm
Ngày xưa, gốm được cho vào lò nung bằng củi. Nung gốm là khâu quan trọng nhất, phải tốn rất nhiều nhân công cho việc canh lò, bớt mắt lửa sao cho hợp lý. Nung trong khoảng một tuần mới ra được một lò.
Từ khi có quy hoạch và vì bảo vệ môi trường, các lò nung gốm truyền thống không được sử dụng nữa, màu gốm đen cũng vì thế nên mất dần. Làng gốm cũng không còn tấp nập như xưa.
Trên đường vào thăm cơ sở làm gốm mỹ nghệ Biên Hòa, anh bạn của tôi cung cấp thêm thông tin Biên Hòa là vùng đất duy nhất trên cả nước có thương hiệu gốm trùng khớp hoàn toàn với danh xưng tại địa phương và cũng là thương hiệu gốm duy nhất được định danh trên trường quốc tế với chất liệu men xanh đồng trổ bông đặc trưng (vert de Bien Hoa).
Gốm mỹ nghệ Biên Hòa từng nổi tiếng ở thập niên 20, thế kỷ XX với nhiều giải thưởng danh giá, nhiều huy chương và bằng khen ở triển lãm quốc tế. Năm 1925, gốm Biên Hòa đạt huy chương vàng trong Hội chợ Triển lãm quốc tế về Mỹ thuật trang trí và Công nghiệp hiện đại, tại Paris.
Điểm đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa các dòng gốm là màu men đặc trưng. Nếu đặc trưng của gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) là sắc vàng thẫm, của gốm Thổ Hà (Bắc Giang) là nổi bật bởi sắc đỏ, gốm Bầu Trúc (Ninh Thuận) là vệt nâu, thì gốm Biên Hòa nổi tiếng với "men xanh đồng trổ bông" - màu men được tạo ra từ mạt đồng, đá đó và bột cobalt. Khi nung phải ở nhiệt độ 12.500 độ C mới tạo ra màu men đẹp thăng trầm, sâu lắng.
Ngoài màu men xanh để định danh "Gốm Biên Hòa", sản phẩm ở đây còn có một yếu tố khác biệt là điểm nhấn so với gốm ở các địa phương khác. Đó là kỹ thuật khắc chìm và tô men tạo ấn tượng mạnh về sự chia cắt họa tiết trên sản phẩm.
Khi tận mắt chứng kiến việc làm gốm ở Biên Hòa, tôi thực sự ngưỡng mộ và cảm thán bởi sự chỉn chu, tinh tế của những người thợ cho công đoạn tạo hình và khắc chìm hoa văn lên cốt gốm.
Những hình vẽ, đề tài được khắc trên gốm đa dạng, phong phú. Các nghệ nhân điêu khắc sử dụng số cốt truyện lịch sử như truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Lục Vân Tiên... Sử dụng các loại hoa gần gũi như: sen, cúc, mai hoặc khắc những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp như cá, chim, gà, hươu, nai... nhưng đã cách điệu, cũng có thể chủ đề là chữ tượng hình, khắc tứ linh: long - ly - quy - phụng, làm ông tam đa: phúc - lộc - thọ...
Nở hoa, tỏa sắc
Sau khi các hình vẽ được chạm khắc tinh xảo, đến khâu chấm men là quan trọng nhất nên thường được giao cho những thợ lành nghề tỉ mẩn từng chút một. Ở làng gốm Biên Hòa, thường phụ nữ sẽ đảm nhận chấm men bởi đòi hỏi khéo léo, kiên trì và cả sự nhẹ nhàng trong việc dùng cọ tô men lên từng họa tiết. Chi tiết nhỏ dùng cọ nhỏ, bề mặt họa tiết lớn thì dùng cọ lớn.
Những phụ nữ cần mẫn, đặt các sản phẩm lên gối, quậy tô men cho đều, dùng cọ quệt đầy men rồi nhanh tay chấm lên sản phẩm. Họ cứ tiếp tục như vậy cho đến khi sản phẩm hoàn thành đúng như người mẹ đang chăm chút cho đứa con của mình từng li, từng tí.
Từ hình hài của đất và hơi thở của lửa, gốm Biên Hòa đã nở hoa, tỏa sắc từ những năm 1925, để cuối những năm 1950 thì in dấu ấn tại các triển lãm quốc tế. Tác phẩm gốm không chỉ là vật phẩm, mà còn là những sứ giả của văn hóa và nghệ thuật, chinh phục được lòng người tại nhiều quốc gia, mang về những giải thưởng cao quý. Vì vậy, khát vọng của những người thợ gốm Biên Hòa là muốn sản phẩm của họ lấy lại được hào quang trong quá khứ.
Trao đổi với ông Vòng Khiềng,Tổng Thư ký Hiệp hội Gốm Đồng Nai, tôi cảm nhận được trăn trở và khát vọng mong muốn thương hiệu gốm Biên Hòa tiếp tục vươn xa và lấy lại vị thế. Ông cũng mong chính quyền quan tâm phát triển bền vững nghề gốm kết hợp du lịch để không chỉ quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường mà còn giúp tăng doanh thu cho lò gốm, cải thiện thu nhập của người thợ.
Hiện chính quyền tỉnh Đồng Nai và TP Biên Hòa đang tìm nhiều cách đẩy mạnh giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề gốm Biên Hòa. Thể hiện qua việc quy hoạch làng nghề truyền thống, xây dựng bảo tàng hoặc trung tâm triển lãm gốm gắn với phát triển du lịch, nâng cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai trở thành một bộ phận nòng cốt để đào tạo nghệ nhân làm gốm trong tương lai.
Dự kiến, vào tháng 4-2025, Festival Gốm truyền thống Biên Hòa - Đồng Nai sẽ được tổ chức với các chuỗi hoạt động triển lãm giới thiệu các sản phẩm gốm nghệ thuật đặc sắc có giá trị thẩm mỹ và tính ứng dụng cao của các nghệ nhân trong cả nước, nhằm quảng bá sản phẩm gốm. Hy vọng với sự nỗ lực của chính quyền, sự nhiệt huyết, yêu nghề của những nghệ nhân làng gốm, gốm Biên Hòa sẽ sớm được hồi sinh.
Giao thoa văn hóa
Theo những nghệ nhân làm gốm ở Biên Hòa, sản phẩm gốm Biên Hòa thể hiện tinh thần của chữ "Hòa" trong sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật, giữa cũ và mới, kết tinh giữa kinh nghiệm làm gốm thủ công cổ truyền với kỹ thuật hiện đại. Sản phẩm thể hiện sự giao thoa giữa ba dòng gốm của người Việt, người Hoa, người Chăm làm nên đặc trưng bản sắc văn hóa điểm tô cho văn hóa vùng đất này.
Từ sự hòa quyện giữa đất - nước - lửa, dưới bàn tay khéo léo, khối óc không ngừng đổi mới, những nghệ nhân sáng tạo ra dòng gốm Biên Hòa đặc sắc từng nổi tiếng và vang danh từ châu Á sang châu Âu, tiếc là giờ chỉ còn hào quang trong quá khứ.
Bình luận (0)