Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, vào những ngày cuối tháng 2, TP HCM tiếp tục xảy ra nắng nóng diện rộng, nền nhiệt có lúc chạm ngưỡng 38 độ C. Tuy nhiên, nhiệt độ cảm nhận thực tế ở các đô thị còn cao hơn do phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê tông. Thế nhưng, nhiều người lao động này vẫn miệt mài làm việc dưới cái nắng nóng rát da thịt.
Dưới cái nắng gay gắt, nền nhiệt có lúc chạm ngưỡng 38 độ C do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều công nhân vẫn phơi mình làm việc trên công trường thi công tại đường Lương Định Của (TP Thủ Đức, TP HCM). Để hạn chế ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da, công nhân phải đeo kính, khẩu trang, mặc áo dài tay, đeo găng tay...
Bà Nguyễn Thị Lực phải tìm chỗ trú nắng
Anh Nguyễn Cao Hùng (34 tuổi, Nghệ An) cho biết sau Tết thời tiết nắng nóng gay gắt, công nhân làm việc trên công trường vất vả hơn trước nhiều. "Mấy ngày sau Tết thời tiết bắt đầu thay đổi, nắng nóng khủng khiếp. Nắng từ trên trời chiếu xuống, dưới đất thì sức nóng từ sắt thép và nhiệt từ các khâu hàn tỏa ra khiến cho người lúc nào cũng đổ mồ hôi như tắm" - anh Hùng chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Lực (65 tuổi, bán vé số dạo trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM) thường xuyên choáng, mệt mỏi khi thường xuyên ngoài đường. Bà Lực phải tìm bóng mát để tránh nóng. Bà Lực cho hay: "Già rồi phải ráng mưu sinh chứ không biết tôi chịu đựng đến khi nào".
Còn Chị Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, làm nghề bán trái cây dạo ở Chợ Tân Định, quận 1, TP HCM) dưới trời nắng nóng gay gắt chị vẫn phải đạp xe rong ruổi trên các con hẻm để bán hàng. Mồ hôi đầm đìa ướt đẫm lưng áo, khuôn mặt chị đỏ ửng, lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng chị vẫn nỗ lực kiếm tiền để lo cho gia đình.
"Thời tiết nóng nực khiến tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đạp xe chở hàng nặng hàng ngày. Trời nóng, hàng bán chậm hơn và thu nhập kém đi. Năm ngoái, đi bán hàng giữa thời tiết nắng nóng, tôi đã bị sốc nhiệt, cảm nắng, do đó tôi rất lo lắng và cố gắng giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng gay gắt như thế này" - chị Thu cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) vào thời điểm 13 giờ, nhiều người tham gia giao thông phải chọn nơi có bóng râm để dừng xe. Một số tài xế xe công nghệ phải tìm đến chỗ trú mát dưới chân cầu vượt Hàng Xanh để nghỉ ngơi, lấy sức chạy những cuốc xe kế tiếp.
"Năm nay nóng ngang ngửa 6 - 7 năm trước. Uống nước nhiều hơn ăn, nắng nóng ăn cũng không vô. Tôi vẫn chạy xe bình thường nhưng có điều không có nhiều khách. Nắng nóng quá nên khách cũng tránh nắng, hạn chế ra đường" - anh Đinh Văn Thiện, một tài xế xe ôm ngụ Bình Thạnh, TP HCM nói.
Bình luận (0)