Dạo một vòng quanh Hà Nội những ngày nắng nóng, mới 8 giờ sáng, bóng dân lao động tự do trên những nẻo đường, khu chợ quen thuộc đã vắng hơn so với ngày thường. Tại chân cầu Nhật Tân, nhiều lao động đã tạt bên lề đường ngồi nghỉ chống nắng.
Làm sớm tránh nắng
Mệt lả vì chạy xong 3 cuốc xe, anh Nguyễn Hữu Huân (Hưng Yên) làm nghề chạy xe ôm GrabBike phải tạt vào dưới chân cầu Nhật Tân ngồi ăn tạm cốc chè đậu đen. Huân cho biết, thời tiết nắng nóng, khách chủ yếu đi taxi, ít đi xe ôm. Tuy nhiên, trời nắng cũng không thể nhịn ăn nên Huân vẫn không thể trốn việc, ngay cả khách gọi đi đường dài cũng phải đi. "Nắng nóng khiến nhịp sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, do vậy, cánh chạy xe ôm như chúng tôi cũng phải đổi nhịp theo. Sáng tôi chạy xe từ lúc 6 giờ, tối thì 22 giờ, thậm chí có hôm 23 giờ mới nghỉ. Ban ngày ít khách nên phải tăng làm sáng sớm, đêm khuya" – Huân nói.
Chị Nguyễn Thị Liên (nhà Tứ Liên, Tây Hồ) bốc rác dưới cái nắng gay gắt. Ảnh: Minh Nguyệt
Huân cho biết, nhiều đồng nghiệp vì nắng nóng cũng muốn nghỉ làm nhưng không chạy không được vì bên hãng yêu cầu phải chạy đủ cuốc xe, nếu không sẽ trừ tiền, thậm chí cho thôi việc. Ngồi kế bên Huân là anh Nguyễn Viết Nam, cũng làm nghề lái GrabBike. Thoạt nhìn qua Nam trông như một "chiến binh IS" bởi anh bọc kín từ đầu tới chân, chỉ lộ mỗi hai mắt. Thấy tôi hỏi thăm, Nam cười, bỏ mũ len, gương mặt đỏ bừng: "Không mặc thế này thì không thể chạy xe liên tục dưới cái nắng 40-50 độ đâu chị. Mặc thế này hơi bí nhưng còn hơn bị cháy da, cháy thịt" – Nam tâm sự.
Cách đó chừng 2m, anh Nguyễn Tiến Lộc (Long Biên, Hà Nội) cũng đang tận dụng chân cầu râm mát để bốc dỡ hàng. Mặt đỏ phừng phừng nhưng anh không dám ngồi nghỉ vì đang phải chạy xe cho kịp giờ giao hàng chuyến sau.
Sốc và choáng vì việc
Dời cầu Nhật Tân, phóng viên đi qua một số chợ đầu mối, nơi tập trung nhiều lao động tự do ở Hà Nội. Tại chợ hoa Quảng An – nơi tập trung hàng trăm lao động tự do làm nghề bốc vác nay cũng thấy vắng hoe, chỉ còn mấy chị bán hàng hoa ngồi trong lán.
"Đợt trước, thời tiết còn mát thì giờ này (8 giờ) chợ hoa vẫn còn đông người. Dân lao động vẫn bốc, dỡ hàng bình thường. Thế nhưng mấy hôm nay nắng nóng, họ làm từ sớm rồi kéo về phòng trọ hoặc tạt qua mấy lều bên kia uống nước tránh nóng hết rồi" – chị Vân, một người bán hoa ở chợ này cho biết.
Vừa bước vào cổng chợ, phóng viên nhìn thấy cảnh 6-7 chiếc xe rác đang nối đuôi kéo dài. Kế bên, 2 công nhân dọn vệ sinh của phường Quảng An đang hì hụi bốc rác. Lại sát bên họ, tôi còn nghe thấy cả tiếng thở dài mệt mỏi, gương mặt ửng đỏ toát mồ hôi. Mặc dù vậy, các chị vẫn cố gắng bốc hết đống rác to đùng trước mặt. Chị Nguyễn Thị Liên (nhà Tứ Liên, Tây Hồ) - công nhân dọn vệ sinh tại chợ hoa Quảng An tâm sự: "Những ngày nắng nóng thế này chỉ ngồi không cũng thấy mệt huống hồ còn phải bốc vác, tiếp xúc với rác thải. Trời nắng nóng, bốc xong xe rác là chị em lăn đùng ra vì sốc và choáng. Biết vậy nhưng công việc không làm không được" – chị Liên nói.
Bốc xong 6 xe rác cho về điểm tập kết, 3 chị em ngồi nghỉ ở một lán trong chợ uống nước. Cầm can nước trên tay, chị Liên chia sẻ: "Trời nóng, làm việc dễ mất nước nên hôm nào mình cũng vác theo can nước 3 lít, cùng với một chai nước chanh đường để uống lúc bị hạ đường huyết".
Rời chợ hoa Quảng An, tôi tiếp tục chạy xe tới chợ đầu mối hoa quả Long Biên. Trái với khung cảnh tấp nập mọi khi ở chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, hôm nay mới 9 giờ sáng chợ đã vắng hoe hơn cả sáng mùng 1 Tết. Tạt vào quán trà đá góc cuối con chợ, tôi thấy có một nhóm lao động nam đang ngồi tán chuyện, mấy người kế bên thì chơi bài. Chỉ còn 3 - 4 lao động đang è cổ bốc mấy bao tải hàng lên xe.
Anh Lê Văn Côi, quê Hà Nam, làm nghề bốc hàng ở chợ Long Biên được 3 năm cho biết, thời tiết nắng nóng nên mọi người toàn chuyển sang làm đêm và sáng sớm. Có ngày phải làm từ 10 giờ tối tới 4-5 giờ sáng. Ban ngày thi thoảng vẫn có người thuê, trả công cũng cao hơn nhưng nhiều khi không dám nhận vì làm xong, tiền công không đủ tiền mua thuốc.
Tối làm cực nhọc, ban ngày mới có thời gian để ngủ, nhưng nắng nóng thế này nằm trong phòng trọ mái lợp fibro xi măng cũng không thể ngủ được. Vì thế, tối đến đi bốc hàng lại uể oải. Chúng tôi chỉ hy vọng có cơn mưa, trời bớt nóng chứ thế này anh em lao động kiệt sức chẳng làm ăn gì được".
Anh Lê Văn Côi (Hà Nam) làm nghề bốc hàng ở chợ Long Biên.
Bình luận (0)