"Sức khoẻ" luôn được quan tâm hàng đầu
Mỗi chúng ta đều biết, sự khỏe mạnh là nền tảng cơ bản của cuộc sống. Một tinh thần tích cực, một cơ thể khoẻ mạnh sẽ mang đến những điều hạnh phúc, như đạt tuổi thọ cao hơn, có thể làm việc theo khả năng tốt nhất hay đóng góp được cho xã hội nhiều hơn,…
Tại Việt Nam, trong các vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân, sức khỏe chiếm vị trí đầu tiên, với với đa số người Việt đã thay đổi các ưu tiên về sức khỏe. Điều đó phản ánh đúng thực trạng về tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, sức khỏe của người dân ngày càng cần được quan tâm, nhưng đồng thời cũng cho thấy người dân đã có ý thức hơn về việc bảo vệ sức khỏe của mình.
Nhiều quan điểm về sức khỏe cho ta thấy rõ vai trò, ý nghĩa của nó trong đời sống
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): "Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật". Ngày Sức khỏe thế giới 7-4-2024, WHO chọn chủ đề "Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi".
Với chủ đề của năm 2024 nhăm đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đi kèm với các quyền như được giáo dục và thông tin, được hưởng bầu không khí trong sạch, có nguồn nước uống an toàn, dinh dưỡng đầy đủ, nơi ăn chốn ở phù hợp, được đảm bảo việc làm và các điều kiện môi trường tối thiểu cũng như không phải chịu phân biệt đối xử. Mỗi người đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Từ thực tế nhận thức về sức khoẻ của người dân, ngày nay, các biện pháp có thể ngăn ngừa, làm chậm quá trình lão hoá hay cách để "già đi" khoẻ mạnh luôn được người dân quan tâm. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả và khoa học nhất, là hãy bắt đầu sớm thói quen sống lành mạnh.
Bởi, lão hóa là sự già đi theo thời gian của cơ thể, tiến triển của nó ở mỗi người khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Di truyền; môi trường sống; các bệnh mắc phải; hành vi hoặc thói quen sống,…. Đó cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc một người có trải qua quá trình "lão hóa lành mạnh" hay không.
Thay vì thỏa hiệp cùng lão hóa, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện một lối sống lành mạnh, giảm thiểu tác động của tuổi tác lên sức khỏe
Ba yếu tố then chốt trong hành trình lão hoá lành mạnh
Thay vì cảm thấy lo lắng hoặc thỏa hiệp với sự xuống cấp của cơ thể, chúng ta nên trang bị đầy đủ kiến thức về lão hóa lành mạnh và tâm lý vững vàng. Như vậy, dù ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, bạn vẫn hoàn toàn có thể duy trì cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, có ba yếu tố then chốt giúp cơ thể lão hoá lành mạnh, bao gồm: Thực hành chế độ dinh dưỡng cân bằng; có lối sống năng động, lành mạnh và xây dựng chế độ phù hợp cho từng cá nhân.
Thực hành chế độ dinh dưỡng cân bằng: Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói: "Vạn bệnh từ miệng vào". Ông tổ nghề Y Hypocrate (Hi-pô-crat) - người thầy thuốc vĩ đại nhất lịch sử thời Hy Lạp cổ đại cũng đã chỉ ra vai trò của ăn uống đối với sức khỏe: Hãy để thức ăn là thuốc và thuốc là thức ăn của bạn.
Có thể khẳng định rằng: Dinh dưỡng cân bằng mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe. Ngoài duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng tốt còn giúp khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần, cảm giác luôn tràn đầy năng lượng.
Dinh dưỡng cân bằng mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe.
Để thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, tỷ lệ năng lượng từ các nguồn dinh dưỡng như sau: Năng lượng đến từ những chất dinh dưỡng đa lượng: 30% năng lượng là từ chất đạm; 40% năng lượng là từ chất bột đường (trong đó chất xơ: 25 gram); 30% năng lượng là từ chất béo (lưu ý bổ sung Ít chất béo bão hòa và Omega 3). Dùng đủ vitamin và khoáng chất, dưỡng chất thực vật.
Một chế độ ăn uống đúng cách, kết hợp sử dụng thực phẩm bổ sung được phát triển dựa trên các nghiên cứu khoa học và tập thể dục thường xuyên chính là những yếu tố quan trọng bậc nhất của phong cách sống hiện đại ngày nay.
Tăng cường rau, củ, quả chứa nhiều chất chống oxy hóa trong chế độ ăn.
Thực hiện lối sống năng động, lành mạnh: Để lão hóa lành mạnh, chỉ chú trọng việc cân đối các chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể là chưa đủ. Các chuyên gia y tế luôn khuyến nghị về việc duy trì vận động, thể dục, uống đủ nước cũng như dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Xây dựng chế độ phù hợp cho từng cá nhân: Đối với một số người, tập luyện trong 30 phút là hoàn hảo. Đối với những người khác, một buổi tập gym dài hơn là cần thiết để đạt được các mục tiêu về sức khỏe. Tùy thuộc tình trạng sức khỏe, năng lực vận động và sở thích, mỗi người có thể lựa chọn các hình thức tập luyện có cường độ, tần suất và thời gian vận động khác nhau, miễn là phù hợp với bản thân.
Các hoạt động thể lực cơ bản: Đi bộ, leo cầu thang, các bài tập thể dục. Thực hiện hàng ngày với thời gian không dưới 30 phút mỗi ngày.
Các bài tập sức bền: Đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, bơi, khiêu vũ, thể dục thẩm mỹ, các môn thể thao với bóng. Tần suất 3-5 lần mỗi tuần, thời gian mỗi lần tập từ 30-60 phút.
Các bài tập sức mạnh: Các bài tập đối kháng, nhảy dây, các bài tập kéo, đẩy, nâng. Tần suất 2-3 lần/tuần, thời gian mỗi lần tập tùy thuộc năng lực.
Giảm dần khối lượng và cường độ vận động khoảng 5-10 phút trước khi kết thúc buổi tập bằng các động tác thư giãn thả lỏng, co duỗi khớp, đi bộ hít thở nhẹ nhàng.
Nhiều người thường chờ đến tuổi già mới bắt đầu quan tâm đến lão hóa lành mạnh. Tuy nhiên, hãy chủ động giữ gìn sức khỏe ngay khi còn trẻ.
Cho dù đang ở độ tuổi nào, bạn đều có thể bắt đầu thay đổi các thói quen sống cho việc lão hóa lành mạnh. Bởi quá trình lão hóa của cơ thể là điều mà chúng ta không tránh được, nhưng việc chăm sóc sức khỏe thật tốt, bắt đầu sớm sẽ giúp sự lão hóa lành mạnh hơn.
Bình luận (0)