Trên thế giới, tình trạng béo phì ở người trưởng thành đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990 và tăng gấp 4 lần ở những người trong độ tuổi 5 - 19. Dữ liệu cũng cho thấy 43% người trưởng thành bị thừa cân trong năm 2022.
Các con số trên được đưa ra trong một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí y học The Lancet, trong đó WHO đóng góp vào công tác thu thập và phân tích số liệu. Nghiên cứu cũng cho thấy mặc dù tỉ lệ suy dinh dưỡng toàn cầu đã giảm nhưng đây vẫn là một thách thức về sức khỏe cộng đồng ở nhiều nơi, đặc biệt là Đông Nam Á và khu vực châu Phi Hạ Sahara.
Các quốc gia có tỉ lệ thiếu cân và béo phì cao nhất trong năm 2022 là các đảo quốc Thái Bình Dương và vùng Caribbean, cũng như Trung Đông và Bắc Phi.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì - một căn bệnh mạn tính phức tạp - từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành, thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc đầy đủ.
Việc quay trở lại đúng hướng để đạt được các mục tiêu toàn cầu về hạn chế béo phì đòi hỏi nỗ lực của các chính phủ và cộng đồng, được hỗ trợ bởi các chính sách của WHO và các cơ quan y tế công cộng quốc gia.
Quan trọng không kém là sự hợp tác của khu vực tư nhân, vốn phải chịu trách nhiệm về tác động sức khỏe do sản phẩm của mình gây ra.
Trước đó, tại kỳ họp của Đại hội đồng Y tế thế giới năm 2022, các quốc gia thành viên đã thông qua kế hoạch hành động tăng tốc để ngăn chặn béo phì của WHO. Hiện có 31 chính phủ được đánh giá là đi đầu trong nỗ lực thực hiện kế hoạch này.
Bình luận (0)