Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023 diễn ra vào tối 21-6, với 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C và 41 giải Khuyến khích được trao cho các tác giả, nhóm tác giả. Lễ trao giải năm nay được tổ chức với nhiều đổi mới, sáng tạo, để lại dấu ấn lớn trong lòng công chúng, đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực báo chí.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết trong một năm có khá nhiều giải báo chí toàn quốc khác nhau, rất nhiều giải của bộ ngành nhưng cách thức của các lễ trao giải đều khá khuôn mẫu theo phong cách truyền thống.
Đó là điều thôi thúc cá nhân ông cũng như ban tổ chức tìm ra ý tưởng về một lễ trao giải báo chí quốc gia thật đặc biệt, khác với những lần trao giải trước đây. "Cái khó là vẫn phải giữ được màu sắc chính luận cho chương trình, nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn cho công chúng. Chúng tôi muốn các tác giả, nhóm tác giả có giải thưởng là trung tâm của đêm trao giải để tôn vinh họ, làm thế nào để họ được nổi bật nhất trên sân khấu, để khoảnh khắc nhận giải thưởng thực sự đáng nhớ với cá nhân họ cũng như những đồng nghiệp, bạn bè, người thân ngồi theo dõi trực tiếp hoặc qua truyền hình"- Nhà báo Lê Quốc Minh nhớ lại thời điểm chuẩn bị cho lễ trao giải.
Video clip Nhà báo Lê Quốc Minh trả lời phỏng vấn. Dựng phim: Mỹ Uyên - Quốc Thắng
Nếu như ở các lễ trao giải trước đây, các tác giả lần lượt được gọi tên, đi lên sân khấu và nhận giải từ các đại biểu khách mời trao. Điều này khiến nhiều trường hợp tác giả khi lên hình, không trùng khớp với tác phẩm được giới thiệu, khiến dấu ấn của cá nhân người nhận giải chưa đọng lại quá nhiều.
Theo ông Lê Quốc Minh, ban tổ chức đã cố gắng làm sao những người đứng trên sân khấu họ cảm thấy được tôn vinh, những người ngồi bên dưới tự hào và mong muốn có một ngày nào đó đứng ở sân khấu để được nhận giải.
Để giải quyết "bài toán" này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết ban tổ chức đã thay đổi gần như hoàn toàn Format chương trình khi mời các tác giả lên đứng sẵn ở trên sân khấu. Tại dây, khi ánh đèn sân khấu rọi xuống tác giả nào, thì họ được xướng tên, đồng thời tác phẩm đạt giải sẽ hiển thị trên màn hình chính sân khấu. "Khi đó, tác giả sẽ là nhân vật trung tâm trên sân khấu với các thông tin về giải thưởng, tác phẩm đạt giải hoàn toàn trùng khớp, gây ấn tượng đặc biệt"- ông Lê Quốc Minh nói.
Bên cạnh đó, các chương trình không thể thiếu phần nghệ thuật, song ông Lê Quốc Minh cho biết ban tổ chức xác định không để các tiết mục biểu diễn che khuất phần trao giải nhưng vẫn tạo được sự hấp dẫn cho công chúng. "Để làm được điều này, chúng tôi cố gắng xây dựng các tác phẩm mang tính đặc sắc riêng biệt. Các chi tiết khác như hình ảnh trình chiếu, công nghệ mới, xây dựng phông nền, khu vực triển lãm cũng được tính toán chi tiết, tỉ mỉ"- ông nói và cho biết trong chương trình còn có một ca khúc viết về những người làm báo lần đầu được trình diễn trên sân khấu.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải khi thay đổi cách tổ chức một Lễ trao giải Báo chí Quốc gia từ "truyền thống" sang "đổi mới, sáng tạo", Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng đó chính là dám vượt qua "vùng an toàn" hay không và kết quả của chương trình lễ trao giải đã cho thấy chúng ta dám vượt qua "vùng an toàn" đó.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, chương trình Lễ trao giải Báo chí năm nay được tổ chức rất hiện đại, mới mẻ, kết hợp với nhiều công nghệ tiên tiến. "Từ trước tới nay, các chương trình trao giải báo chí nói chung thường rập khuôn, với năm nay, chúng tôi dám nghĩ, dám làm, muốn mang đến nhiều sự mới mẻ để sự kiện Lễ trao giải Báo chí Quốc gia thực sự xứng tầm là giải báo chí quan trọng nhất của nước ta"- ông Lê Quốc Minh bày tỏ.
Các ý tưởng tổ chức chương trình ban đầu còn gặp một số khó khăn, song với sự quyết tâm lớn, đã nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan. Theo ông Lê Quốc Minh, Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số VTV với đội ngũ trẻ, năng động, đã góp phần rất lớn vào thành công của chương trình. Từ xây dựng kịch bản, duyệt chương trình đến lên sóng trực tuyến đều được tính toán rất kỹ để có một lễ trao giải thành công nhất.
Để công tác tổ chức Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII thành công, không thể không nhắc đến vấn đề kinh phí. Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết đây cũng là khó khăn lớn khi tổ chức một chương trình quy mô. Tuy vậy, với nguồn kinh phí xã hội hoá, sự đồng hành của các tổ chức, đơn vị, Lễ trao Giải báo Quốc gia lần thứ XVIII đã rất thành công.
Chia sẻ thêm về Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, ông Hoàng Công Cường, Tổng đạo diễn chương trình cho biết phía Hội Nhà báo Việt Nam "đặt hàng" với chủ đề "Khát vọng và bản lĩnh Việt Nam", do đó cần có format độc đáo, sáng tạo, đổi mới cả về nội dung, phương thức vinh danh. Song vẫn phải thể hiện được sự trang trọng, ý nghĩa chính trị - xã hội của sự kiện.
Với yêu cầu đưa tác giả, nhóm tác giả nhận giải vào vị trí trung tâm, ê-kip tổ chức chương trình đã lên ý tưởng, kịch bản, thiết kế sân khấu phù hợp và cẩn trọng nhất. Với hai tháng chuẩn bị, các công việc đã kịp hoàn tất trước thời điểm lễ trao giải diễn ra.
Theo đạo diễn Hoàng Công Cường, toàn bộ các phần, các tiết mục đều được "may đo" kỹ lưỡng, toàn diện cho báo giới. Các tiết mục biểu diễn đều hướng tới mục đích cuối cùng là truyền tải thông điệp về nghề báo và người làm báo.
"Ca khúc cuối chương trình mang tên "Gửi những niềm tin yêu" được sáng tác riêng cho lễ trao giải, có phần rap của ca sĩ Phúc Bồ cũng là một bất ngờ thú vị mà chúng tôi muốn đem lại cho công chúng"- ông Hoàng Công Cường nhấn mạnh.
Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII là bước đệm để chuẩn bị cho lễ trao giải báo chí quốc gia vào năm 2025, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025).
Hướng đến dịp kỷ niệm 100 năm, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chủ trì là Ban tuyên giáo Trung ương, việc tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm cho dấu mốc này đã được ban hành từ rất lâu.
Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có các văn bản hướng dẫn các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội thực hiện các phong trào thi đua tạo ra hoạt động nội dung, những sản phẩm báo chí mới, xây dựng môi trường văn hóa, kể cả những hoạt động bên lề như tổ chức các sự kiện thể thao, các cuộc thi báo chí, báo ảnh, video. Đồng thời, triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho Hội báo Toàn quốc năm 2025 - đây sẽ là một hoạt động đặc biệt quan trọng trong chuỗi sự kiện hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Bình luận (0)