Đã 28 mùa Giải Mai Vàng trôi qua, từ thời giải còn tổ chức đơn sơ tại Khu Du lịch Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen đến khi được nâng tầm chuyên nghiệp cho đến hôm nay đã bước vào mùa giải thứ 29.
* Phóng viên: Đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn lễ trao Giải Mai Vàng năm nay, cảm xúc của anh thế nào khi có nhiều năm gắn bó với chương trình?
- Nhà báo THANH HIỆP - Tổng đạo diễn Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 29 - 2023: Năm nay dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đều có những tín hiệu vui. Công chúng vẫn quan tâm, tìm đến rạp xem kịch, xem phim, đón chào những sản phẩm MV, ca khúc của những nghệ sĩ, ca sĩ thực hiện trong năm 2023. Điều này đã và luôn làm nên thành công cho Giải Mai Vàng - một giải thưởng có sự khác biệt so với các giải thưởng khác, đó là cuộc chơi của khán giả, bạn đọc, họ giới thiệu, đề cử, rồi bầu chọn nghệ sĩ mình yêu thích.
Cá nhân tôi quan tâm đến 3 giải thưởng Văn hóa - Nghệ thuật xuất sắc đã được công bố đoạt Giải Mai Vàng, đó là họa sĩ Phùng Quảng Đông với tác phẩm mỹ thuật "Rừng 2" - mang rõ chủ đề tư tưởng về bảo vệ rừng thiên nhiên, lá phổi của chúng ta, nên cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh là một tuyến đầu không thể xao lãng; nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phụng với bộ ảnh "Những cây cầu trong lòng TP HCM" - đặc tả sinh động và rực rỡ diện mạo đổi mới từng ngày của thành phố mang tên Bác với sự xuất hiện của những cây cầu hiện đại; và sách tuyển tập 6 kịch bản sân khấu mang tên "Cô đào hát" của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (Nhà Xuất bản Sân khấu ấn hành) là một tác phẩm văn học xuất sắc, cho thấy ngòi bút của tác giả rất nặng nợ với sàn diễn, với chủ đề mang tính nhân văn.
* Nhiều năm đảm nhiệm cùng một vai trò, anh có gặp áp lực khi thực hiện chương trình bởi ai cũng mong năm sau sẽ có những điều mới lạ hơn năm trước?
- Tôi vốn là người thích đối diện với áp lực, từ khi đảm nhận vai trò này thì cơ hội được đúc kết kinh nghiệm, được làm mới chính mình đã cho tôi ý thức dành nhiều thời gian để suy ngẫm, tích lũy tư duy mới trong dàn dựng, tổ chức chương trình nghệ thuật nằm trong lễ trao Giải Mai Vàng, để mỗi năm có sự mới lạ, hấp dẫn đến phút cuối.
* Diễn ra trong tình hình kinh tế khó khăn, điều đó có hạn chế sự sáng tạo của anh?
- Tất nhiên là có, nhưng với chủ trương đồng lòng, chung sức, những nhà tài trợ đồng hành đã luôn sát cánh bên cạnh chúng tôi, để cứ mỗi năm xuân về thì Mai Vàng lại khoe sắc. Trước tình cảm của sự đồng hành đáng quý đó, trách nhiệm của tôi là phải tìm tòi sáng tạo để mang lại dấu ấn mới cho mùa Giải Mai Vàng năm nay.
* Tiết mục biểu diễn nào kỳ vọng tạo nên điểm nhấn khác biệt của lễ trao Giải Mai Vàng 2023, thưa anh?
- Đây là năm thứ 4 tôi được Ban Biên tập tín nhiệm giao trọng trách tổng đạo diễn chương trình lễ trao Giải Mai Vàng do Báo Người Lao Động tổ chức. Mỗi năm đều có một vài tiết mục "đinh" do tôi sáng tác. Ca cảnh "Lòng tốt quanh ta" được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn cho lễ trao Giải Mai Vàng 2023. Bằng khả năng của mình, những người lao động, trong đó có cụ Trần Văn Hồng, cụ Nguyễn Thị My dù đã U90 vẫn nấu cơm chay phát miễn phí cho dân nghèo trong khu vực quận Bình Thạnh, TP HCM - đó là tấm gương rất cao quý mà thế hệ trẻ nên soi vào để sống tử tế hơn.
Từ bài dự thi viết "Lòng tốt quanh ta" về hai cụ Hồng và cụ My (do Báo Người Lao Động tổ chức), tôi cảm tác từ chất liệu đó để sáng tác ca cảnh và nhận được sự đồng cảm của các nghệ sĩ tài danh: NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương, NSND Phượng Loan, NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Trinh Trinh.
Đặc biệt, hai nghệ sĩ sẽ thể hiện nhân vật vợ chồng cụ Hồng là nghệ sĩ Tú Trinh và NSƯT Công Ninh. Ca cảnh còn có sự tham gia của CLB Sân khấu Lạc Long Quân, với các diễn viên trẻ là học trò của tôi.
* Diễn ra trong thời điểm "mùa giải thưởng", anh có ngại bị so sánh với những chương trình trao giải đã và đang diễn ra cùng thời điểm?
- Mỗi giải thưởng đều có tiêu chí riêng và chất liệu làm nên sự khác biệt chính là nét riêng đó. Từ năm 2021, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã quyết định xét tặng và trao giải "Nghệ sĩ vì cộng đồng" và "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng". Đây chính là thông điệp mà Giải Mai Vàng luôn gửi đến văn nghệ sĩ, vì sau một năm lao động nghệ thuật vất vả, thành tựu đạt được là sự ghi nhận của bạn đọc, khán giả về vai diễn, ca khúc, MV, sản phẩm nghệ thuật mà các cá nhân, tập thể nghệ sĩ làm ra.
Nhưng quan trọng hơn hết chính là trọng trách đối với xã hội, ý thức mình là người nghệ sĩ công dân, nên 2 giải thưởng này nhắc nhớ nghệ sĩ đoạt Giải Mai Vàng hằng năm, dù có chạm tay đến nhiều tượng Mai Vàng nhưng sự phấn đấu của họ chính là sự cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng bằng chính khả năng của mình và xuất phát từ cái tâm trong sáng.
Hai NSND Kim Cương và Lệ Thủy đã được trao giải "Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng" thật sự xứng đáng, hoặc ca sĩ Đen Vâu năm nay được trao giải "Nghệ sĩ vì cộng đồng" với MV "Nấu ăn cho em" nhận được sự đồng thuận rất cao của số đông bạn đọc, khán giả cả nước.
Một điều Giải Mai Vàng luôn hướng tới khi bước vào tuổi 30 là giải sẽ phủ sóng trên cả nước, do đó trong danh sách bầu chọn của 14 hạng mục năm nay, có nhiều nghệ sĩ ở phía Bắc được bạn đọc, khán giả đề cử.
* Dấu ấn cá nhân của anh được thể hiện thế nào trong chương trình lần này?
- Năm nay, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã đặt ra yêu cầu là phải tạo không gian đón xuân trẻ trung, sinh động. Bản thân tôi phải trẻ hóa chính những ý tưởng của mình. Ngoài việc đúc kết khi đặt mình vào hàng ghế khán giả để xem nhiều chương trình ca múa nhạc và sân khấu truyền thống trong năm, tôi còn nỗ lực hòa mình vào công việc tìm kiếm những nhân tố mới, để ngoài các ca sĩ, nghệ sĩ đã thân quen với Giải Mai Vàng, còn có nhiều gương mặt trẻ hứa hẹn tạo dấu ấn đẹp cho chương trình năm nay.
* Anh chờ đợi những kết quả gì từ Giải Mai Vàng lần thứ 29 - 2023?
- Tôi tin bạn đọc, khán giả chính là những người quyền lực nhất để đưa ra kết quả cuối cùng. Tôi mong thành tựu của mùa giải năm nay sẽ là động lực sáng tạo cho các nghệ sĩ, ca sĩ đoạt giải.
* Với kinh nghiệm và mối quan hệ của anh trong giới giải trí, chắc chắn anh có "món ngon" từ sự tập hợp các ngôi sao vào chương trình mà ở chỗ khác không có?
- Phía sau tôi là một cơ quan báo chí thuộc Thành ủy TP HCM. Những mối quan hệ có được từ hơn 30 năm đều xuất phát từ uy tín của Báo Người Lao Động. Điều xúc động nhất là mỗi năm khi chuẩn bị kịch bản chương trình, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đều mong muốn được tham gia, dù ở vai trò biểu diễn hay công bố, trao giải. Bởi chỉ có ở không gian của lễ trao giải Mai Vàng mới thật sự là nơi nghệ sĩ hàn huyên, gặp gỡ, nhìn lại một năm lao động nghệ thuật.
* Đảm nhận vai trò tổng đạo diễn lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 29 - 2023, thông điệp gì anh cho rằng cần phải được nhấn mạnh và lan tỏa rộng khắp đến khán giả?
- Giải Mai Vàng mãi mãi là nhịp cầu xuân ý nghĩa kết nối bạn đọc, khán giả và văn nghệ sĩ cả nước. Từ sự kết nối này sẽ lan tỏa tinh thần hăng hái sáng tạo và truyền năng lượng tích cực đến thế hệ trẻ đang dấn thân vào nghệ thuật.
* Nếu được thỏa sức sáng tạo với sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt tài chính, anh muốn mang đến một lễ trao giải Mai Vàng thế nào?
- Nếu có được cơ hội này tôi sẽ đẩy mạnh các yếu tố vinh danh nghệ thuật truyền thống. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ tiền bối của lĩnh vực truyền thống đã được bạn đọc trao Giải Mai Vàng. Họ trọng uy tín nghệ thuật đúng như tiêu chí của Giải Mai Vàng, do đó vinh danh họ sẽ là một giải pháp tích cực để giới trẻ làm nghệ thuật hiện nay soi lại chính mình.
"Mục tiêu của Giải Mai Vàng là góp phần định hướng quảng bá những tác phẩm, vai diễn xứng tầm, có sự đầu tư và tôn vinh lòng tự hào dân tộc. Riêng sàn diễn cải lương hiện nay đang có sự dấn thân của nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ, đây là một tín hiệu đáng mừng, song qua đó cũng đặt ra cho các bạn trẻ nhiều thử thách, là làm sao để đưa nghệ thuật cải lương đến gần hơn với công chúng trẻ" - đạo diễn Thanh Hiệp bày tỏ.
Bình luận (0)