Ngày 16-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bảo đảm cấp điện ổn định
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đề xuất phân bổ bổ sung vốn đầu tư công cho 5 lĩnh vực, ngành, gồm: Quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học - công nghệ và giao thông, với tổng vốn là 63.725 tỉ đồng. Trong đó, 57.730 tỉ đồng được kiến nghị phân bổ cho các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng, kết nối vùng. Chính phủ cũng đề xuất phân bổ cho Bộ Tài chính 1.490 tỉ đồng để đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án xây dựng trụ sở làm việc Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP HCM) và dự án mua sắm máy soi hành lý và máy soi container di động cho hải quan nhằm hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Chính phủ cũng đề nghị QH giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương hơn 2.526 tỉ đồng cho EVN để kéo điện lưới ra huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo Chính phủ, việc cấp điện từ lưới quốc gia bằng tuyến cáp ngầm 110 KV vượt biển là phương án tối ưu, bảo đảm yêu cầu cấp điện ổn định, an toàn cho lưới điện trên đảo. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 4.950 tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương khoảng 2.526 tỉ đồng, còn lại vốn của EVN gần 2.424 tỉ đồng. Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH đồng ý và đề nghị Thủ tướng điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giao EVN là cơ quan quyết định đầu tư dự án.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) đồng tình với phương án bố trí vốn cho EVN thực hiện dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo. Theo ĐB Vang, nguồn cấp điện cho Côn Đảo hiện chỉ đủ cho sinh hoạt, trong khi dân số cơ học, khách du lịch ngày càng tăng, các nhà đầu tư đang mong chờ đủ điện để triển khai kế hoạch đầu tư. Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
ĐB Tô Ái Vang cũng kiến nghị Chính phủ khi triển khai dự án cần lưu ý đến luồng hàng hải, quy hoạch cảng Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng và tuân thủ việc đánh giá tác động môi trường.
Cân nhắc kỹ với dự án trên 10.000 tỉ đồng
Thảo luận tại tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đồng tình với nội dung thẩm tra, đồng ý cho phép sử dụng 63.725 tỉ đồng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Trong đó, hơn 33.156 tỉ đồng cho 33 dự án đã hoàn thành chủ trương đầu tư nhưng chưa có đầy đủ quyết định đầu tư và hơn 30.568 tỉ đồng dự kiến bố trí cho 17 dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định.
Sau khi phân tích rõ hơn những lý do đồng thuận với dự thảo nghị quyết, ĐB Ngân cho rằng ở giai đoạn hiện nay, bối cảnh chung thế giới không được thuận lợi, đầy thách thức. Trong nước, 2/3 động lực chính là xuất khẩu và tiêu dùng tiếp tục khó khăn, chỉ còn động lực là đầu tư. Vì thế, chúng ta cần phải tạo điều kiện tối đa để tăng đầu tư công.
"Cũng có ý kiến lo ngại tăng đầu tư công sẽ ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, 10 năm qua chúng ta vẫn giữ được ổn định, lạm phát dưới 4%; nợ công hiện chỉ 37% GDP. Điều đó cho phép chúng ta có thể linh hoạt mở rộng đầu tư công" - ĐB Ngân nói.
Cũng theo dự thảo nghị quyết, số vốn còn lại hơn 30.568 tỉ đồng dự kiến bố trí cho 17 dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến trước khi Thủ tướng giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.
ĐB Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) đề nghị cần bảo đảm nguyên tắc dự án phải đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện về chủ trương đầu tư. Nếu chưa có đủ thì chưa nên giao vốn. Nếu ủy quyền cho UBTVQH thì phải làm rõ thủ tục ủy quyền như thế nào? "Quy định của pháp luật chưa có nên nếu giao hết cho UBTVQH thì phải có cơ chế giám sát kỹ, nếu không, khi có việc gì xảy ra lại đẩy ngược lên QH" - ĐB Tuấn đề nghị.
Cũng theo ĐB Trần Anh Tuấn, trong số 17 dự án này, có 1 dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia là tuyến giao thông Đắk Lắk - Chơn Thành vượt 10.000 tỉ đồng. Theo Luật Đầu tư công, dự án phải thông qua QH, do đó cần xem xét kỹ. "Với dự án không thuộc thẩm quyền của QH có thể ủy quyền cho UBTVQH phân bổ vốn khi chưa có quyết định, còn dự án nào thuộc thẩm quyền của QH thì phải trình riêng" - ĐB Tuấn đề xuất.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần hết sức thận trọng với những dự án trên 10.000 tỉ đồng, xem có nên ủy quyền cho UBTVQH với dự án này hay sẽ tách riêng để cho ý kiến tại kỳ họp QH tới.
Ngày 17-1, QH nghỉ để các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Sáng 18-1, QH họp phiên bế mạc.
Vì sao phương án kéo điện lưới ra Côn Đảo được lựa chọn?
Theo Chính phủ, cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo. Năm phương án gồm: Đầu tư nhà máy điện dùng diesel nổi + điện mặt trời (hiện hữu) + diesel (hiện hữu); đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi; đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + điện mặt trời (hiện hữu) + diesel (hiện hữu); đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi + điện mặt trời + diesel (hiện hữu) + pin lưu trữ; cấp điện từ lưới điện quốc gia.
Chính phủ cho biết phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ các tiêu chí như bảo đảm đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng của huyện đảo, chiếm ít diện tích sử dụng đất trên đảo, lưu ý đến mục tiêu hướng đến giảm phát thải khí carbonic về 0 (net-zero) vào năm 2050 bên cạnh việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo và giá thành điện năng thấp nhất.
Phân cấp mạnh mẽ cho cấp huyện
Sáng 16-1, QH thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất QH 8 cơ chế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, trong bối cảnh tiến độ giải ngân còn rất chậm. Trong 8 cơ chế đặc thù có việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ trình QH 2 phương án.
Phương án 1, chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Phương án 2, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 như đề xuất trước đó. HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.
ĐB Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) ủng hộ phương án 1, phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. "Với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, bảo đảm phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai những chương trình và bảo đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh" - ĐB Luận nhấn mạnh.
ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) ủng hộ việc phân cấp cho cấp huyện như đề xuất của Chính phủ. "Với những dự án, công trình không lớn, chúng ta phân cấp cho huyện là rất trúng. Cần mạnh mẽ phân cấp, bởi cấp huyện đủ năng lực để thực hiện các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia" - ĐB Hạ nêu rõ.
ĐB Tạ Văn Hạ cũng đề xuất ở mỗi tỉnh không nên chọn một huyện để thí điểm mà mạnh dạn thí điểm ở nhiều huyện nhằm có cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện hơn.
Bình luận (0)