Ngày 11-1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đầu tư công năm qua đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển.
Cụ thể, đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016 - 2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025. Cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016 - 2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế. Đặc biệt, quan tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.
Trong quy hoạch, với Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 1 quy hoạch tỉnh duy nhất.
Đối với kết quả thu hút FDI, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết năm 2023 là năm thành công thu hút vốn FDI. Theo đó, dòng vốn này "rót" vào nước ta đạt 36,6 tỉ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…
Bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua, ngành KH-ĐT trong một số thời điểm chưa nắm chắc diễn biến tình hình thế giới và trong nước để tổ chức nghiên cứu, phân tích, dự báo kịp thời và bao quát hết tác động đến nền kinh tế nước ta, nhất là những vấn đề phức tạp, mới phát sinh để tham mưu đầy đủ, chính xác cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Đáng chú ý vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.
Bước sang năm 2024, người đứng đầu Bộ KH-ĐT nêu rõ toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài…
Thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, được triển khai quyết liệt gắn với tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. Theo Thủ tướng, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ được thành lập để kiểm tra, làm việc, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương. Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, từng quý; tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 (91,42%).
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do đó, Bộ KH-ĐT cần làm tốt chức trách và nhiệm vụ được giao, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu, phát huy kết quả đạt được, không thỏa mãn, chủ quan, lơ là; chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Bộ KH-ĐT phải luôn đi đầu trong chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. "Đẩy mạnh nghiên cứu chiến lược, tham mưu chiến lược để làm tốt hơn nữa việc kiến tạo phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững, thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau" - Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, nhất là chính sách cho đổi mới sáng tạo. Bộ KH-ĐT tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
Đạt mục tiêu tăng trưởng là nhiệm vụ khó khăn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực khi đạt 5,05% nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung kế hoạch 5 năm (6,5%-7%) và chiến lược 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Theo Bộ trưởng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ "dân số vàng", đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường.
Bình luận (0)