Trong ngắn hạn, nhiều KCN tại các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên… đều ghi nhận thiệt hại đáng kể. Nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phải mất thời gian để xử lý và phục hồi, làm chậm tiến độ sản xuất và giao hàng.
Khu vực xuất khẩu nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi nguồn cung đầu vào từ thủy sản, nuôi trồng đến vựa trái cây… đều thiệt hại nặng. Không chỉ những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão, mà cả địa phương chịu hoàn lưu của bão như lũ lụt, sạt lở đất cũng khiến nhiều gia đình, làng xã mất toàn bộ hoa màu, tác động cả kinh tế và đời sống của người dân. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ hạn chế đi rất nhiều và sẽ không đạt được kỳ vọng ít nhất trong 1 - 2 tháng tới. Từ đó, tác động tới dịch vụ bán buôn, bán lẻ, thị trường trong nước.
Về dài hạn, những tháng cuối năm là cao điểm sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp có nhu cầu nhập nguồn nguyên liệu đầu vào. Ảnh hưởng của cơn bão số 3 không chỉ Việt Nam mà cả Thái Lan, Lào và một loạt địa phương của Trung Quốc… sẽ gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần nhận diện tác động với những đối tượng cụ thể. Theo đó, những tác động thiệt hại về tài sản, nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh và cả tác động về thiệt hại con người, tinh thần của người dân ở vùng bão, lũ cần được phân loại và có chính sách phù hợp với tinh thần dồn toàn lực hỗ trợ người dân sớm phục hồi, ổn định cuộc sống; cần kêu gọi sự tự lực, tự cường từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, lúc này, vai trò của các hiệp hội ngành hàng là rất lớn.
Với chính sách tài chính, khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ sẽ tác động tới chất lượng tài sản, khả năng trả nợ; các khoản nợ cũ và hiện hữu nguy cơ cao thành nợ xấu… Do đó, ngân hàng có thể khoanh tạm tất cả khoản đã cho vay, tạo điều kiện cấp tín dụng mới dựa trên dự án sản xuất - kinh doanh của từng khách hàng, ở từng lĩnh vực phù hợp quy tắc cho vay cụ thể. Ở đây, nhà nước có thể mở rộng các gói chính sách hỗ trợ như gói cho vay xuất khẩu thủy sản nâng quy mô lên 60.000 tỉ đồng…
Với chính sách tài khóa, nhà nước vẫn cần dồn nguồn lực cho mục tiêu hỗ trợ trong dài hạn, nhất là đầu tư công, chưa kể nguồn lực cho khắc phục cơ sở hạ tầng sau bão, lũ cũng rất lớn. Với chính sách này, điều doanh nghiệp cần là rà soát môi trường kinh doanh, giảm chi phí thấp nhất có thể nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Để thực thi hiệu quả, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hóa, không cần quá đa mục tiêu trong một hoạt động hỗ trợ hoặc có tính chất can thiệp vào thị trường. Mỗi chính sách hỗ trợ cần xác định đối tượng cụ thể, tập trung nguồn lực để triển khai bài bản.
Bình luận (0)