xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Linh hoạt ứng phó với thương chiến

TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM

Thương chiến toàn cầu có thể tác động đến Việt Nam theo nhiều cách, cần chủ động linh hoạt ứng phó

Việt Nam là quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất trong khu vực ASEAN với Mỹ nên rủi ro thuế quan từ các biện pháp áp thuế của Mỹ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ. Điều này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Việt, là rủi ro tiềm ẩn.

Rủi ro và cơ hội

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Trump hôm 13-2 đã ký một bản ghi nhớ kêu gọi chính quyền của ông xác định "mức thuế (nhập khẩu đối ứng) tương đương đối với từng đối tác thương mại nước ngoài". Điều này có nghĩa, chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch áp thuế quan đối với các quốc gia khác tương ứng với mức thuế mà họ áp đối với hàng hóa của Mỹ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã công bố thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc, Mexico và Canada. Trong khi mức thuế 10% đối với Trung Quốc đã được áp dụng thì mức thuế 25% đối với Canada và Mexico đã được tạm hoãn. Chưa hết, ông còn công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng 3 tới, gây rúng động thị trường toàn cầu.

Linh hoạt ứng phó với thương chiến- Ảnh 1.

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong trường hợp thương chiến toàn cầu xảy ra, Việt Nam có thể bị tác động theo nhiều cách. Trước mắt là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ có thể bị ảnh hưởng do thuế nhập khẩu cao, làm giảm lượng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ đối mặt với chi phí sản xuất tăng lên do nguyên vật liệu nhập khẩu từ Mỹ bị áp thuế. DN Việt có thể phải đối mặt với các biện pháp đình chỉ hoặc giảm xuất khẩu từ Mỹ, làm giảm doanh số kinh doanh.

Chưa hết, cần lưu ý một số tác động tiềm ẩn đặc biệt như các biện pháp áp thuế của Mỹ có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến DN Việt phụ thuộc vào nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước khác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và tăng chi phí sản xuất.

Đồng thời, khi các quốc gia tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Trung Quốc, họ có thể dịch chuyển các chuỗi sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt khi các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh hay các nước ASEAN khác đang tìm cách gia tăng sản xuất và xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý chiến lược và có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các công ty quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP và EVFTA để gia tăng khả năng tiếp cận các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ mà không bị áp thuế cao.

Tận dụng FTA, đa dạng hóa thị trường

Trong bối cảnh này, các biện pháp ứng phó nền kinh tế và DN cần triển khai là nên tận dụng các FTA hiện có để tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ một cách hiệu quả.

Đồng thời, để giảm thiểu rủi ro, các DN nên tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đặc biệt là các nước trong khu vực và thị trường đang phát triển. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu và sản phẩm để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các quốc gia cụ thể.

Cải thiện chất lượng và giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. DN cũng nên tham gia vào hợp tác quốc tế và đa quốc gia để mở rộng mạng lưới thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Để tránh bị thiệt hại trong bối cảnh thương chiến toàn cầu, bản thân từng DN khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế, cần bảo đảm tuân thủ các quy định thương mại của từng quốc gia, tránh vi phạm các quy định về thuế, chống bán phá giá, và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiểu rõ nhu cầu và xu hướng của thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường Mỹ, để có chiến lược xuất khẩu phù hợp. Hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường tiêu thụ, đồng thời chia sẻ rủi ro và đề cao tính linh hoạt trong thanh toán. Đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Đặt ra chiến lược chủ động để đưa hàng hóa ra thị trường, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thực phẩm, bằng cách đầu tư vào kho lạnh và thiết lập trung tâm phân phối tại các cảng lớn.

Việc ứng phó một cách chủ động và linh hoạt sẽ giúp các DN trong nước vượt qua những thách thức từ thương chiến toàn cầu và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đối với cơ quan quản lý, chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam nên tập trung vào việc hội nhập kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong chính sách thương mại quốc tế, yếu tố quyết định nhất có thể là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Yếu tố này đóng vai trò then chốt bởi nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao sẽ thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. 

TS IRFAN ULHAQ, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam:

Cơ hội cho doanh nghiệp tăng xuất khẩu

Việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc tạo ra cơ hội đáng kể cho các DN Việt tăng cường xuất khẩu. Theo đó, người mua tại Mỹ đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế và ngành sản xuất mạnh mẽ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ nội thất, khiến Việt Nam trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu. Các hiệp định thương mại và năng lực sản xuất hiệu quả về mặt chi phí của Việt Nam mang lại lợi thế cạnh tranh để bảo đảm duy trì hợp đồng dài hạn với các nhà nhập khẩu Mỹ.

Để khai thác đầy đủ các cơ hội này, DN nên tuân thủ các quy định thương mại của Mỹ, bảo đảm tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Đầu tư vào thương hiệu, nghiên cứu và phát triển, các kỹ thuật sản xuất tiên tiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nghị định 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ nhằm khởi động Quỹ hỗ trợ đầu tư để thúc đẩy đầu tư công nghệ cao, bao gồm cả chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và nghiên cứu phát triển, gồm các ưu đãi theo nghị định này cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho việc mở rộng, đổi mới và tiến bộ công nghệ, giúp các DN bảo đảm vị thế của mình trên thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, việc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ (hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) cũng khiến Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những thay đổi chính sách của Mỹ. Một rủi ro đáng kể khác là chi phí nguyên liệu thô tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể làm tăng chi phí sản xuất và làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Bà ĐỖ THỊ THÚY HƯƠNG - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA):

Cần môi trường kinh doanh thuận lợi hơn

Chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành điện tử đã được thiết kế từ lâu, có tính chặt chẽ nhưng rất cạnh tranh, vì vậy khả năng bị loại bỏ khỏi chuỗi là rất dễ. Với chính sách thuế của Tổng thống Mỹ, các DN điện tử phải chủ động lên kế hoạch sản xuất, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu mất đơn hàng sẽ là ngắt "dòng máu" tài chính vào DN, ngừng sản xuất và hậu quả là phá sản.

Thực tế, các DN trong ngành điện tử đã chủ động nắm bắt diễn biến mới của thương mại toàn cầu, tìm kiếm đơn hàng. Theo đó, sau Tết Nguyên đán, nhiều DN đã có kế hoạch mở rộng sản xuất, làm "3 ca 4 kíp" miệt mài. Tuy vậy, trong bối cảnh này, DN điện tử mong muốn được tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh, xử lý các vướng mắc về thuế, hải quan nhanh chóng; tránh để những điểm nghẽn về thủ tục hành chính làm khó DN "sân nhà"; mà cần dành sức, dành nguồn lực thích ứng với các thay đổi từ yêu cầu mới của đối tác.

Ông NGUYỄN THANH LAM, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt:

Ngành gỗ lo bị mạo danh

Chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump đang khiến thị trường của ngành gỗ trầm xuống. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều đối tác dù trước đó ngỏ ý đặt hàng nhưng lại cân nhắc về thời điểm giao hàng. Có khách hàng ở Mỹ đàm phán chỉ xuất 3 container một tháng, thay vì 4 như trước đó.

Trong khi đó, các thị trường khác như EU, Hàn Quốc… cũng đang ở động thái cân nhắc, xem xét chờ chính sách mới của ông Donald Trump. Thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý chờ xem những diễn biến tiếp theo, cụ thể mức thuế mà Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu ra sao rồi mới quyết định đặt hàng.

Hiện nay, DN định hướng phát triển bền vững, tìm kiếm thêm đối tác ngoài thị trường Mỹ. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngăn chặn, phát hiện sớm và kịp thời tình trạng lẩn tránh thuế sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Việt Nam để mạo danh xuất xứ. Thuế nhập khẩu một khi Mỹ áp cho tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ thì một trong những công cụ cạnh tranh của đồ gỗ Việt Nam so với Trung Quốc là thuế chống bán phá giá, do vậy nếu bị cáo buộc có tình trạng lẩn tránh thuế, gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đánh thuế cao, khi đó sẽ mất lợi thế cạnh tranh này.

Thái Phương - Lê Thúy ghi


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo