Ngày 15-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM phối hợp cùng UBND huyện Bình Chánh và nền tảng TikTok tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, HTX, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2024 với chủ đề: Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) TP HCM trên nền tảng số.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Khánh Toàn, Phụ trách quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam, nói rằng TikTok Shop là nền tảng giải trí kết hợp mua sắm nên có tốc độ tăng trưởng cao vì nhu cầu giải trí gấp 30 lần nhu cầu mua sắm. Năm 2023 đã có 2,5 tỉ sản phẩm được TikTok Shop bán ra nhưng tỉ lệ nhóm hàng nông sản còn thấp.
"Nông sản, đặc biệt là nông sản tươi là ngành khó nhất khi kinh doanh online vì biên độ lợi nhuận mỏng, nhiều yêu cầu phức tạp trong giao nhận" – ông Toàn thẳng thắn.
Ông Toàn cũng kể câu chuyện thực tế về một trường hợp bán sầu riêng tươi qua livestream với sự tham gia của 15 nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) trong 20 phút mang về doanh số 1,2 tỉ đồng nhưng sau đó shop bị khóa. Lý do là đơn hàng quá nhiều, nhà bán đã không giao hàng cho khách đúng như mô tả nên đã nhận về các phản hồi tiêu cực.
"Đây là bán lẻ nên nhà bán cần chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng, cách đóng hàng,… để giao hàng kịp thời cho tất cả khách trong thời gian quy định chứ không đơn giản như giao hàng sỉ" – ông Toàn lưu ý.
Theo ông Toàn, có 3 bí kíp để thành công trên TikTok Shop là "đúng – đủ - đều". Theo đó, các chủ thể OCOP muốn bán hàng trên TikTok Shop cần tham gia khóa đào tạo "vườn ươm OCOP" để có kiến thức "đúng".
Các chủ thể cũng cần đầu tư nhân sự, sản phẩm để đạt yếu tố "đủ"và "đều" là phải đăng tải các video đều đặn, tránh gián đoạn.
Trên TikTok Shop cũng đã xuất hiện nhiều gian hàng có doanh thu hàng tỉ đồng/tháng dù chỉ bán nông sản.
Hiện nay, TikTok Shop có kênh "Chợ phiên OCOP" mở vào thứ 7 hằng tuần được nền tảng hỗ trợ lượt xem cho nhà bán và hỗ trợ voucher cho người dùng.
Bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (chuyên bột rau, có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP), cho hay khi tham gia sự kiện "chợ phiên OCOP" ở huyện Cần Giờ, công ty đã chốt được 200 đơn hàng, bằng doanh số nửa tháng của công ty trên sàn.
"Bán hàng qua livestream người mua bằng cảm xúc nên các bác nông dân có lợi thế rất lớn khi bán nông sản của mình. Tại TP HCM, các sản phẩm OCOP chủ yếu là hàng chế biến nên thuận lợi hơn bán hàng tươi. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị kỹ trước mỗi phiên livestream để đơn hàng về không bị rối vì quá tải" – bà Hương lưu ý.
Bình luận (0)