Việc đưa nông sản, đặc sản từ nơi sản xuất đến trực tiếp người tiêu dùng đang là lĩnh vực thu hút nhiều người khởi nghiệp với nhiều tiềm năng.
TikToker Thảo Mola: Để có những phiên live 10.000 USD
Nguyễn Thị Tường Thảo (TikToker Thảo Mola) đã trải qua năm 2023 thành công với giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng dành cho các thanh niên nông thôn xuất sắc.
Ngay phiên livestream (phát trực tiếp) khai trương sau Tết tài khoản của cô đã ghi nhận lượng người xem lên đến 1.100-1.200, cao hơn mức bình quân của năm ngoái là từ 800-1.000 lượt xem. Cô cũng đã có những phiên live đạt doanh số lên đến 10.000 USD dù chỉ bán nông sản.
Theo Thảo, bí kíp thành công là sự chăm chỉ luyện tập để có thể phản ứng linh hoạt trên các phiên livestream, vượt qua sự rụt rè ban đầu. Năm 2024, mục tiêu của cô là đa dạng các loại nông sản Đà Lạt được bán online. Hàng được giao trực tiếp từ nhà vườn đến người tiêu dùng trong vòng 24-36 giờ, giúp rau quả vẫn tươi ngon đến người tiêu dùng.
Thảo cho rằng cơ hội cho người khởi nghiệp ở mảng bán nông sản online vẫn còn lớn bởi đặc sản vùng miền còn rất nhiều. Tuy vậy, để thành công cần chọn sản phẩm chất lượng cao và có sự kiên trì, quá trình làm video quảng bá cần sáng tạo không ngừng kèm yếu tố giải trí để thu hút người xem.
"Tú nông sản" – Nên bắt đầu sớm
Khúc Thành Tú, chàng trai quê Mộc Châu (Sơn La) đã thành công khi ra vườn livestream bán mận khi thấy thương lái ép giá từ tháng 6-2023 đã quyết định theo nghiệp bán nông sản online. Từ đó, Tú có biệt danh là "Tú nông sản" với nhiều mặt hàng được thử nghiệm như: ớt Palermo (ớt ngọt khổng lồ), dâu tây, bưởi, lê, măng khô,…
Theo Tú, trong vài năm tới, thời gian vận chuyển sẽ rút ngắn hơn khi các cao tốc mới thông đường; nhiều công nghệ bảo quản rau quả tươi được áp dụng sẽ giúp việc bán nông sản online dễ dàng hơn.
Tú cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản ngon, sạch từ trực tiếp nhà vườn – nơi được xác định có uy tín rất cao, được xem như là một "quà quê" giá trị nên người tiêu dùng sẵn sàng mua giá cao hơn. Do vậy, người trẻ có thể về chính quê hương của mình để kinh doanh những sản phẩm thế mạnh địa phương, nhất là các mặt hàng còn chưa phổ biến trên thị trường.
"Tôi rất vui vì bản thân tạo được cảm hứng cho nhiều người trẻ về quê khởi nghiệp. Tôi có một người bạn ở Đắk Lắk bán me chua online rất thành công. Do đó, mọi người nên bắt đầu từ những điều giản dị xung quanh mình. Hãy kể những câu chuyện bằng video một cách chân thực nhất, gần gũi nhất, tránh việc lạm dụng kỹ xảo, màu mè" – Tú khuyên.
"Hoa thịt chua" – phải xây dựng thương hiệu cá nhân
Cô gái người dân tộc Mường, Nguyễn Thị Thu Hoa, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Trường Foods, được biết đến với biệt danh "Hoa thịt chua" người đưa đặc sản thịt chua Phú Thọ vươn ra cả nước.
Năm qua, cô đã thực hiện dự án phi lợi nhuận hỗ trợ địa phương lan tỏa văn hóa ẩm thực và danh lam thắng cảnh Phú Thọ, trong đó có những video đạt hơn 1 triệu lượt xem; hỗ trợ hàng chục chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) bán hàng online. Những phiên livestream do cô thực hiện mang về doanh số khoảng 200 triệu đồng.
Theo Hoa, để bán hàng online, trước hết người bán phải xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu sản phẩm trên không gian mạng như: Youtube, Facebook, Tiktok,…
"Không phải các siêu sao, giới giải trí mới cần xây dựng thương hiệu cá nhân, người làm kinh doanh thương hiệu cá nhân rất quan trọng. Điều này giúp AI (trí tuệ nhân tạo) nền tảng nhận diện ra bạn là ai và phân phối người xem phù hợp. Cách đơn giản là đời thực của bạn thế nào, lên mạng thế đó để gây dựng lòng tin với mọi người" - chị Hoa đúc kết.
Cũng theo "Hoa thịt chua", để bắt đầu kinh doanh online hay livestream cần hành động ngay vì đây là xu hướng, từ thực tế sẽ được nhiều kinh nghiệm và hoàn thiện dần thay vì suy nghĩ và lo sợ. Bản thân Hoa, khi bắt đầu livestream doanh số cũng chỉ có vài triệu đồng dù khi đó đã có "tên tuổi" trên mạng xã hội.
Một kinh nghiệm khác mà Hoa đúc kết được là phải chạy quảng cáo nếu muốn kinh doanh ổn định và đây là chi phí cần tính từ đầu để định giá sản phẩm. Tránh trường hợp hàng nhập vào giá 20.000 đồng/sản phẩm, bán ra 30.000 đồng/sản phẩm vẫn lỗ phải rút lui khỏi thị trường.
1,5 phút bán được 2 tấn ô môi
Chị Trần Võ Khánh Vy (Vy Cát Lai) là một KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) trên mạng xã hội chuyên về nông sản, cho biết chị đã thực hiện nhiều clip về chủ đề này từ sau dịch COVID-19 và bắt đầu kiếm được tiền trong 6 tháng gần đây với mức thu nhập từ 20-60 triệu đồng/tháng.
Vy tiết lộ clip giới thiệu về trái ô môi chỉ có 1,5 phút đã giúp chị bán được 2 tấn ô môi dù mỗi khách hàng chỉ mua khoảng 1 kg để thử. Do vậy, Vy thấy rõ sức mạnh của các video quảng bá các nông sản vùng miền có thể kích thích sức mua như thế nào.
Theo Vy, trên khắp mọi miền đất nước của Việt Nam có rất nhiều nông sản, đặc sản "độc – lạ" vẫn chưa được thương mại hóa tốt là cơ hội tốt để kinh doanh online từ các nền tảng mạng xã hội.
Bình luận (0)