Theo Sci-News, các nhà khoa học đã tìm thấy hóa thạch của con quái vật ở di chỉ Urlibe Khudak thuộc thành hệ Bayanshiree ở sa mạc Gobi, tỉnh Ömnögovi, phía Đông Nam Mông Cổ.
Nó là Duonychus tsogtbaatari, sống vào khoảng 90-95 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng, khi vùng hoang mạc khắc nghiệt này còn xanh tươi.

Quái vật Duonychus tsogtbaatari ở Mông Cổ - Ảnh đồ họa: Masato Hattori
Trong hình ảnh tái hiện lại Duonychus tsogtbaatari khi còn sống, con quái vật hiện lên với thân hình đồ sộ, nặng nề như một con thú quái dị.
Thế nhưng nó lại sở hữu một cái đầu khá giống chim, cơ thể phủ lông, đôi cánh nhỏ có 2 móng vuốt đáng sợ như móng khủng long.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học về động vật có xương sống Yoshitsugu Kobayashi từ Bảo tàng Đại học Hokkaido (Nhật Bản), nó là một thành viên mới của dòng dõi Therizinosauria.
Therizinosauria là một nhóm khủng long chân thú phát triển mạnh trong kỷ Phấn Trắng, với hóa thạch từng được tìm thấy ở châu Á và Bắc Mỹ. Chúng được cho là loài ăn cỏ hoặc ăn tạp.
“Nhánh này dễ nhận biết nhất nhờ bàn tay ba ngón với ba móng guốc lớn giống móng vuốt, cổ dài và răng nhỏ hình lá" - TS Kobayashi mô tả.
Quá trình tiến hóa khác thường của "bàn tay" có thể đóng vai trò quan trọng trong cách mà chúng kiếm ăn và sinh tồn, theo bài công bố trên tạp chí iScience.
Nhưng con quái vật mới được phát hiện nổi bật với "bàn tay" chỉ có 2 ngón thay vì 3 ngón như các thành viên khác cùng gia tộc.
Mặc dù ít ngón, Duonychus tsogtbaatari có thể sở hữu khả năng nắm bắt hiệu quả, thể hiện qua độ uốn cong lớn ở khớp móng và độ cong mạnh của móng vuốt sừng.
Ước tính nó nặng khoảng 260 kg khi còn sống, là một thành viên cỡ trung bình của nhóm Therizinosauria.
Bình luận (0)