Chiều 26-8, tại TP HCM, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) phối hợp với Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (thương hiệu trà Shanam) tổ chức tọa đàm "Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch".
Đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi tọa đàm "Văn hóa trà Việt" do VCCA tổ chức sẽ thực hiện định kỳ hằng tháng từ nay đến cuối năm 2024, nhằm bảo tồn và thúc đẩy văn hóa trà Việt lên tầm cao hơn. Đồng thời, hỗ trợ phát huy tiềm năng kinh tế của trà Việt thông qua quảng bá giới thiệu các sản phẩm trà Việt chất lượng đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Ông Phạm Vũ Khánh, Chủ tịch thương hiệu trà Shanam, cho biết đã có 23 năm trong nghề trà và gắn bó với các vùng trà cổ thụ của Việt Nam, với nhiều giống trà quý hiếm, trong đó có Shan tuyết ở vùng cao Tây Bắc.
Ông cho hay lá trà tươi trồng vùng thấp có giá bình quân chỉ từ 4.000 – 4.500 đồng/kg, giá xuất khẩu trà khô bình quân chỉ 2,5 USD/kg thì lá trà cổ thụ từ 60.000 – 80.000 đồng/kg và sau chế biến có giá từ 2,5-25 triệu đồng/kg. Trong đó, loại đắt nhất được ướp sen và bảo hành trong 10 năm.
Trà cổ thụ được chế biến lên men, càng để lâu càng quý, tương tự như với các loại rượu. Với việc phát triển chế biến, đầu tư khu trải nghiệm để đón khách du lịch – doanh nghiệp đã giúp phát triển kinh tế cho người đồng bào ở vùng nguyên liệu.
Cũng theo ông Khánh, diện tích trà cổ thụ của Việt Nam khoảng 20.000 ha, tập trung tại 5 tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình với sản lượng rất lớn. Với đặc điểm là cây thân gỗ nhưng không là gỗ quý, khi đốt bị khói nên không bị khai thác, nhiều cây trà cổ thụ có kích cỡ lớn và độ tuổi hàng trăm năm. Đây là cây mọc bằng hạt, đến 7 tuổi mới thu hoạch được lá và khoảng 3 tháng thu hoạch một lần, chứa nhiều dược tính.
Tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, tác giả sách "Văn minh trà Việt" thông tin thêm hiện nay, một số doanh nghiệp đã biến sản phẩm trà thành mặt hàng đầu tư khi các bánh trà để càng lâu càng có giá trị. "Với bánh trà, "3 năm là trà, 5 năm là thuốc"- ông Dũng nói.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VCCA, nhận định trà đã từ lâu không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà còn là biểu tượng của văn hóa và truyền thống ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trà có mặt trong đời sống hàng ngày và các nghi lễ quan trọng, từ những cuộc gặp gỡ bạn bè đến các dịp lễ hội. Trà Việt được biết đến với sự đa dạng về chủng loại và hương vị.
Trên thế giới, các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đã thành công trong việc khẳng định và phát huy giá trị văn hóa trà đồng thời tận dụng tốt tiềm năng kinh tế của trà. Những thành công này cho thấy việc kết hợp giá trị văn hóa và kinh tế của trà là hoàn toàn khả thi và mang lại lợi ích lâu dài.
Bình luận (0)