Hiện nay, việc tràn lan các quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) thổi phồng công dụng, sai sự thật trên mạng xã hội gây nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người tiêu dùng.
Mạo bác sĩ, giả lương y
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia y tế và những biện pháp xử phạt từ cơ quan chức năng nhưng tình trạng quảng cáo sai công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN vẫn ngày càng biến tướng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, người dân dễ bị lạc vào mê cung các sản phẩm được quảng cáo như thần dược.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết những năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh TPCN đối diện nhiều vấn đề như nguồn gốc sản xuất, phân phối kinh doanh, quảng cáo khiến cơ quan quản lý đau đầu. Trên mạng xã hội, website… có nhiều quảng cáo như "nhà tôi 3 đời chữa bệnh", quảng cáo "nổ" hơn cả thuốc, chữa được bách bệnh.
Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, thời gian qua, cơ quan này đã liên tục ra các quyết định xử phạt do quảng cáo không đúng nội dung cấp phép và cảnh báo tới người dùng về một số sản phẩm TPCN sử dụng hình ảnh bác sĩ, lấy ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh để quảng cáo sản phẩm. Thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam chỉ ra rằng có tới 80% quảng cáo gây bức xúc hiện nay trên mạng xã hội là trá hình TPCN. Năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 19.000 sản phẩm vi phạm. Chỉ tính riêng quý I/2024 đã phát hiện gần 200 sản phẩm vi phạm.
Tại TP HCM, Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện một công ty quảng cáo ở quận 11 sở hữu 18 tài khoản quảng cáo tư vấn trong lĩnh vực y tế, đăng thông tin quảng cáo trái phép trên mạng xã hội. Ngành y tế thành phố cũng yêu cầu một sàn thương mại điện tử gỡ bỏ quảng cáo vi phạm đối với 474 sản phẩm trên nền tảng. Trong đó, có những sản phẩm thuốc cường dương, hỗ trợ khoái cảm và kích thích tình dục. Những sản phẩm này không phải thuốc, cũng không phải TPCN.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết đã xử lý nhiều vụ quảng cáo gian dối, sai sự thật về TPCN, đặc biệt trên mạng xã hội. Một số doanh nghiệp thậm chí giả mạo đài truyền hình và lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai. Nhiều trường hợp còn giả mạo bác sĩ, lương y để tư vấn TPCN như thuốc chữa bệnh. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân nam bị biến chứng nặng, chỉ số đường huyết tăng cao và sụt 10 kg sau khi mua thuốc trị đái tháo đường quảng cáo trên mạng xã hội. Bệnh nhân này đã mua TPCN từ một trang Facebook giả danh bác sĩ Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo TPCN không chỉ gây hậu quả "tiền mất tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm uy tín của ngành TPCN, lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả. Theo các chuyên gia, tới đây khi hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như kinh doanh online, văn phòng ảo...) để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Lừa dối qua những cam kết ầu ơ
Tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với hình thức ngày càng mới mẻ và tinh vi. Việc lấy danh nghĩa bác sĩ, bệnh viện để quảng cáo trên mạng xã hội là để tạo niềm tin cho người bệnh nhưng thực chất không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình mà còn làm người bệnh bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh nặng thêm. Do đó, người tiêu dùng cần phân biệt và hiểu rõ sự khác nhau giữa thuốc và TPCN để tránh bị "móc túi".
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, có nhiều cách để nhận diện những sản phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định về quảng cáo, trong đó dấu hiệu đầu tiên là những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng thật sự của sản phẩm. Thực chất TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. TPCN không có tác dụng chữa bệnh và không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh. Trong khi thực tế, nhiều quảng cáo sử dụng những từ ngữ như "cam kết chữa khỏi", "cam kết không tái phát", "chữa dứt điểm đau xương khớp", "xua tan nỗi lo bệnh tiểu đường", sản phảm "số 1", "tốt nhất", "cứu tinh", "thần dược"… chắc chắn là lừa dối người tiêu dùng. Ngoài ra, TPCN cũng không được dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo; lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y để quảng cáo chữa khỏi bệnh; không dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo TPCN. Việc quảng cáo mập mờ khiến nhiều người nhầm tưởng TPCN có tác dụng chữa bệnh, gây tốn kém và ảnh hưởng đến thời gian điều trị.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cảnh báo hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube... Một số doanh nghiệp đăng ký một đằng nhưng sản xuất một nẻo, thậm chí vì lợi nhuận còn thêm chất cấm, chất độc hại vào TPCN, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng. Mặc dù đã có chế tài đầy đủ để xử phạt vi phạm quảng cáo nhưng việc thực thi còn gặp khó khăn do nơi phát hành quảng cáo thường có máy chủ ở nước ngoài. Khi được mời lên làm việc, các doanh nghiệp thường không thừa nhận quảng cáo là của họ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử phạt.
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đề xuất cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để xử lý hiệu quả các hình thức quảng cáo thổi phồng công dụng, sai sự thật. Sở An toàn thực phẩm TP HCM kiến nghị sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quảng cáo, xử lý vi phạm hành chính để thuận lợi trong công tác quản lý TPCN. Ban hành đầy đủ các QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia), TCVN (tiêu chuẩn quốc gia) cho sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm.
Bộ Y tế khuyến cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ trước khi quyết định mua sản phẩm.
Khó khăn xử lý
Theo Sở An toàn thực phẩm TP HCM, giai đoạn 2020-2023, qua kiểm tra nội dung quảng cáo trên các website, mạng xã hội với 45.132 sản phẩm, đã phát hiện 659 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Phần cơ sở kinh doanh chỉ là văn phòng đại diện, thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động nên công tác kiểm tra còn khó khăn khi liên hệ với chủ cơ sở.
Bình luận (0)