Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút 4,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; năm 2030 đón 9 triệu lượt khách với doanh thu ngành du lịch là 10.000 tỉ đồng. Để đạt được các mục tiêu trên, Đồng Nai đã quy hoạch hơn 20 dự án du lịch nhằm mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 1 tỉ USD.
Kết nối các điểm du lịch vùng lân cận
Vừa qua, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú giai đoạn 2021-2030 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Đây là đề án du lịch sinh thái đầu tiên của tỉnh nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy những giá trị tài nguyên rừng.
Là địa phương có vị trí quy hoạch đề án nêu trên, ông Trần Nam Biên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết Khu Du lịch Thác Mai - Bàu Nước Sôi (nơi triển khai đề án du lịch sinh thái) được quy hoạch phát triển thành khu du lịch đẳng cấp quốc tế, là trung tâm kết nối với các điểm du lịch vùng lân cận để trở thành một chuỗi các điểm du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ở ven hồ Trị An giai đoạn 2021-2030 do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện được lập với diện tích hơn 4.600 ha, quy hoạch 37 tuyến du lịch, 22 khu với 50 điểm du lịch cộng đồng, dịch vụ vui chơi, giải trí, cắm trại cũng đang được các sở, ban, ngành hoàn chỉnh hồ sơ để UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho hay khi đề án được UBND tỉnh thông qua sẽ làm cơ sở để khu bảo tồn triển khai các dự án, mời gọi nhà đầu tư vào du lịch, liên doanh liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng.
Điều đáng mừng là nhiều công ty du lịch đang có chủ trương đầu tư khu Safari, khu vực hồ Sen, công viên thể thao hàng không tại hồ Bà Hào, mô hình cắm trại và nhà di động trong rừng tại khu bảo tồn.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để có thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao cũng như khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, mới đây tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2024, tại các huyện Xuyên Mộc, Côn Đảo và TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa hình thành tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm gắn với những sản phẩm, dịch vụ, điều kiện đặc trưng của mỗi địa phương. Các địa phương này cũng có những phương án để tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ít nhất 1 đêm.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phấn đấu đến năm 2030, tất cả địa phương trên địa bàn đều có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại huyện Xuyên Mộc, TP Vũng Tàu. Tỉnh sẽ phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách tập trung đông.
Kế hoạch này đã xây dựng 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gắn với các dịch vụ đặc trưng như mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe đi kèm là các dịch vụ; mô hình mua sắm tại chợ đêm; mô hình tham quan du lịch đêm, giới thiệu văn hóa, ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm cũng được đẩy mạnh.
Đa dạng hóa sản phẩm
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng các nhóm giải pháp như ưu tiên phát triển mô hình sản phẩm đêm ở khu vực tập trung đông khách, có điều kiện nâng cấp, mở rộng và kết nối với những hoạt động kinh tế đêm tại địa phương.
Lồng ghép phát triển sản phẩm du lịch đêm vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống người dân.
Các mô hình, sản phẩm dịch vụ đêm theo hình thức phố đi bộ, chợ đêm, không gian linh hoạt theo sự kiện hoặc tổ hợp giải trí riêng biệt. Khuyến khích thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đêm thuộc thẩm quyền địa phương, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ đêm đến 6 giờ hôm sau. Tăng cường xúc tiến, quảng bá và liên kết để đẩy mạnh khai thác kinh tế ban đêm.
Nhằm kích cầu phát triển kinh tế ban đêm, thu hút khách lưu trú, mới đây TP Vũng Tàu cũng đã có ý tưởng hình thành khu ẩm thực đường phố Bãi Sau. Tại các địa bàn khác cũng đã có nhiều sản phẩm thu hút du khách về đêm như TP Bà Rịa có chợ đêm tại trung tâm thương mại; huyện Xuyên Mộc có phố đi bộ, quảng trường, chợ đêm Hồ Tràm thu hút lượng khách đông đảo, đặc biệt vào dịp cuối tuần và lễ, Tết...
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao, dần định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, ngành du lịch tỉnh đã nỗ lực xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với củng cố thương hiệu du lịch. Đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, chất lượng các dịch vụ và môi trường du lịch cũng được nâng cao.
"Việc triển khai kế hoạch thực hiện đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm sẽ đáp ứng nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí của du khách, du lịch đêm sẽ trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh. Từ đó, đưa du lịch trở thành một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh" - ông Trịnh Hàng khẳng định.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết giai đoạn 2021-2030, du lịch của tỉnh được phân chia thành 5 vùng du lịch với những sản phẩm như: Vùng du lịch Biên Hòa - sông Đồng Nai sẽ liên kết, nối tour với các tỉnh Đông Nam Bộ để tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng; phát triển du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, mua sắm, thể thao, vui chơi giải trí với lợi thế TP Biên Hòa; xây dựng vùng du lịch Nhơn Trạch - Long Thành trở thành quần thể mua sắm - vui chơi - giải trí thỏa mãn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí chất lượng cao, tổ hợp du lịch bằng bến du thuyền quy mô lớn ở vùng du lịch sinh thái thuộc các huyện Tân Phú - Vĩnh Cửu - Định Quán - Trảng Bom…
Theo bà Loan, tỉnh Đồng Nai sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn như phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le, dự án Thác Mai - Bàu Nước Sôi, dự án tuyến du lịch ven sông, dự án nuôi động vật bán hoang dã…
"Tỉnh sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng việc xây dựng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và văn hóa là điểm nhấn, thương hiệu du lịch Đồng Nai" - bà Loan nhấn mạnh.
Đầu tư vào phân khúc du lịch cao cấp
Để du lịch Đồng Nai cất cánh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh tỉnh có đủ các lợi thế nhằm trở thành địa phương có đẳng cấp về du lịch. Hiện nay, du lịch Đồng Nai đang đi vào phân khúc bình dân, chưa có thương hiệu du lịch quốc tế. Vì vậy, ngoài những sản phẩm du lịch đã phát triển, Đồng Nai cần đầu tư vào phân khúc du lịch cao cấp.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến phát triển hạ tầng du lịch, bảo đảm các tiêu chí về giao thông an toàn, thông suốt; công tác quy hoạch du lịch phải được tích hợp với quy hoạch chung của tỉnh để xây dựng các dự án du lịch đa dạng về sản phẩm, nhằm giữ chân khách du lịch ở lại lâu hơn và tăng chi tiêu của du khách.
Thời gian lưu trú của du khách không dài
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm gần đây, trung bình mỗi năm tỉnh đón từ 14 đến 15 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, tham quan. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của du khách không dài, số khách lưu trú từ 2 đêm trở lên không nhiều. Ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng những giải pháp, kế hoạch nhằm thúc đẩy, thu hút du khách đến địa phương như tổ chức tuần lễ du lịch, tăng cường quảng bá, đẩy mạnh kích cầu.
Bình luận (0)