Ngày 10-12, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị tổng kết "Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023".
Liên kết là xu thế tất yếu
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hội nghị là hoạt động thường niên và luân phiên với mục đích tổng hợp kết quả đạt được trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương. Đây là chương trình trọng điểm liên kết vùng nhằm tạo ra không gian chung để quảng bá, đầu tư và phát triển du lịch. Qua đó góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhấn mạnh liên kết, hợp tác đã trở thành xu thế tất yếu, mang tính toàn cầu, ông Nguyễn Minh Luân cho rằng hoạt động du lịch không nằm ngoài quỹ đạo đó. Để thay đổi diện mạo, kích cầu phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, cần xác định liên kết là nhiệm vụ trọng tâm. Trên thực tế, TP HCM và các địa phương ĐBSCL đã đẩy mạnh các hoạt động du lịch một cách thực chất, hiệu quả nhằm thu hút và tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách đến tham quan.
Về phía TP HCM, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho hay liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2030 là một trong những chương trình trọng điểm, đột phá của thành phố. Đây cũng là chương trình hợp tác về du lịch đầu tiên được triển khai với phạm vi rộng và không gian liên kết đa dạng, mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các vùng liên kết khác trong nước.
"Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã xây dựng nên một thương hiệu lớn để quảng bá, xúc tiến đến các thị trường khách du lịch nội địa, quốc tế. Bên cạnh đó còn tạo ra không gian chung cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành, dịch vụ du lịch, cơ sở đào tạo du lịch; cộng hưởng với những giá trị kép và những chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn" - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nhìn nhận.
Một số hoạt động của chương trình liên kết du lịch 14 tỉnh, thành phố có thể kể đến là tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch; đẩy mạnh ứng dụng, quảng bá bộ nhận diện thương hiệu du lịch liên kết vùng.
Đáng chú ý, Sở Du lịch TP HCM đã phối hợp các tỉnh, thành ĐBSCL khảo sát điểm đến, tổ chức hội nghị đánh giá các chương trình du lịch liên kết theo các trục tuyến như: tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa" kết nối TP HCM với Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; tuyến du lịch "Non nước hữu tình" kết nối TP HCM với Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh; tuyến du lịch "Sắc màu vùng biên" kết nối TP HCM với Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Tạo sản phẩm đặc trưng
Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình liên kết cũng gặp một số khó khăn, cần sớm được tháo gỡ để du lịch TP HCM và ĐBSCL "cất cánh".
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, vẫn còn một số hoạt động chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả liên kết chưa cao. Cụ thể, việc phát triển sản phẩm du lịch chưa được chú trọng; các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp ở địa phương chưa thể hiện rõ vai trò liên kết trong các hoạt động...
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận việc liên kết còn thiếu tính bền vững, dù cũng đã giúp du lịch địa phương phục hồi. Tỉnh Hậu Giang rất nỗ lực xúc tiến nhưng vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên chưa chủ động tìm kiếm thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và giữ vai trò quan trọng. Du lịch phát triển sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, nét đẹp văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ngành du lịch TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.
"Muốn phát triển du lịch, các địa phương cần xây dựng và tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Chỉ khi làm được những điều đó thì mới thu hút và làm hài lòng được du khách. Cảm nhận được phục vụ tốt nhất, du khách không những quay lại mà còn giới thiệu điểm đến với bạn bè, người thân" - ông Dương Anh Đức nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết thành phố cam kết cố gắng hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL trong việc giới thiệu sản phẩm du lịch một cách trực quan, hiệu quả đến du khách thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Chưa phát huy hết lợi thế
Không chỉ là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vựa trái cây lớn nhất Việt Nam, ĐBSCL còn sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc cùng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Do đó, khu vực này có thế mạnh trong phát triển du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa. Tuy vậy, các ý kiến tại hội nghị đều thừa nhận ĐBSCL chưa phát huy hết thế mạnh du lịch, hiệu quả khai thác chưa tương xứng tiềm năng.
Bình luận (0)