Theo cơ quan này, cả nước có 33 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại dẫn đến thay đổi mức vay của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định. Trong đó, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại với 5.565 tỉ đồng và 6 địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại với 349 tỉ đồng.
27 địa phương trả lại vốn vay
Theo Bộ Tài chính, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay lại, gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định về việc điều chỉnh dự toán vốn vay. Việc này là để các địa phương điều chỉnh kế hoạch sử dụng vốn phù hợp với tình hình thực tế giải ngân.
Đồng thời, đảm bảo cho các dự án có khả năng giải ngân nhưng chưa có đủ dự toán vốn vay lại có thể thực hiện giải ngân.
Đối với việc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn vay lại, Bộ Tài chính nêu nguyên nhân là do địa phương có các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ.
Bên cạnh đó, do các dự án điều chỉnh giảm để phù hợp với kế hoạch vốn cấp phát được giao hoặc phù hợp với nhu cầu và tiến độ triển khai dự án. Các dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn.
"Nhóm nguyên nhân này mang tính chất chủ quan do các địa phương, chủ dự án không thực hiện tốt các khâu chuẩn bị dự toán như đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thiết kế…, dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân dự án"- Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trong số các nhóm dự án xin điều chỉnh giảm dự toán vay lại, nhóm các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là nhóm chiếm số tiền lớn nhất, với 47%. Nhóm các dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ là nhóm có số tiền lớn thứ hai, với 23%.
Địa phương phải đánh giá khả năng giải ngân
Trước tình trạng xin điều chỉnh dự toán vay lại, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương đánh giá đúng khả năng giải ngân, để đề xuất giao kế hoạch vốn phù hợp. Đặc biệt là các dự án đang có khó khăn, vướng mắc như các dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, kiên quyết loại bỏ các dự án không có khả năng giải ngân.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần nâng cao chất lượng của khâu chuẩn bị dự án để đảm bảo các dự án khi đã được cấp phép có thể triển khai đúng kế hoạch đề ra. Đối với TP HCM, Bộ Tài chính đề nghị cần nghiêm túc rà soát lại cách thức lập kế hoạch vốn để đảm bảo hiệu quả, phù hợp, hạn chế tình trạng trả lại dự toán.
Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND TP Hà Nội nghiêm túc rút kinh nghiệm về rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn, nắm rõ khó khăn, vướng mắc và tình hình triển khai của các dự án trên địa bàn để đảm bảo nhất quán, phù hợp trong việc xây dựng và đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn.
Bình luận (0)