Hơn 40 triệu nhân viên y tế từ khắp thế giới đã tham gia lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác về việc ưu tiên sức khỏe trong các cuộc đàm phán khí hậu.
Theo WHO, năm 2023 đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các thảm họa liên quan đến khí hậu, bao gồm cháy rừng, nắng nóng và hạn hán, khiến nhiều người dân phải di dời, nông nghiệp thiệt hại, không khí ô nhiễm nhiều hơn...
Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh đe dọa tính mạng như dịch tả, sốt rét và sốt xuất huyết.
Lời kêu gọi yêu cầu các chính phủ đáp ứng những cam kết mà họ đã đưa ra, thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015 về tăng tốc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nâng cao hy vọng về một tương lai lành mạnh hơn, công bằng hơn và xanh hơn cho nhân loại.
Điều này đòi hỏi hành động ngay lập tức và mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, hỗ trợ người dân tại các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu...
Xây dựng các hệ thống y tế ít thải carbon, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu để bảo vệ cuộc sống hiện tại và tương lai phải được coi là một trong những ưu tiên trong hành động và tài trợ về khí hậu ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Ngành y tế hiện chỉ nhận được 0,5% nguồn tài chính dành cho khí hậu toàn cầu.
Dịp này, các bộ trưởng Bộ Y tế đã thông qua Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe, được 120 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ.
Bình luận (0)