Đại diện các nước tham dự hy vọng sớm đạt được thỏa thuận về một quỹ bồi thường khí hậu trước khi hội nghị chuyển sang các chủ đề gây chia rẽ hơn.
Trước thềm hội nghị, UAE đã đưa ra đề xuất về quỹ nói trên, làm dấy lên hy vọng đây có thể là thỏa thuận đầu tiên đạt được tại COP28. Theo dự thảo thỏa thuận, một quỹ sẽ ra đời để giúp các nước bị tổn thương đối phó với thiệt hại từ lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng.
Đại diện các nước phát triển và đang phát triển đã thảo luận trong nhiều tháng và có những nhượng bộ đáng kể để đi đến dự thảo. Một số nhà ngoại giao bày tỏ hy vọng văn kiện này sẽ được thông qua tại hội nghị.
Các đại biểu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) hôm 30-11. Ảnh: REUTERS
Việc lập được quỹ bồi thường khí hậu sẽ mở đường cho các nước giàu đóng góp vào đó. Giới chức châu Âu cho biết lãnh đạo một số quốc gia, trong đó có Đức, Đan Mạch, Hà Lan… dự kiến công bố khoản tiền dành cho một quỹ như thế.
Dù vậy, Liên minh châu Âu (EU) muốn những nước có nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng trong những thập kỷ gần đây có động thái tương tự, như Trung Quốc và UAE.
Ông Adnan Amin, Giám đốc điều hành COP28, cho biết mục tiêu đề ra là bảo đảm khoản tiền vài trăm triệu USD cho quỹ bồi thường khí hậu tại hội nghị lần này, đồng thời bày tỏ hy vọng nước chủ nhà sẽ có đóng góp.
Một kết quả đột phá về quỹ bồi thường khí hậu có thể giúp thúc đẩy các nước thỏa hiệp về những vấn đề gai góc khác, nổi bật là tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Trước thềm hội nghị, tranh cãi đã nổ ra liên quan đến thỏa thuận thay thế nhiên liệu này bằng năng lượng sạch trong những thập kỷ tới.
Nhiều nước đang phát triển hiện chưa muốn từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vì cho rằng chúng cần cho sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu khí tìm cách duy trì vai trò của các nguồn năng lượng truyền thống.
Bình luận (0)