Bốn nhà lãnh đạo phương Tây cùng có mặt ở Kiev hôm 24-2 nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraine nhân dịp đánh dấu tròn 2 năm xung đột Nga - Ukraine.
Kêu gọi chấm dứt xung đột
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Bỉ Alexander De Croo đã cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khởi hành từ Ba Lan đến Ukraine.
Trong chuyến đi ngắn này, bà Meloni và ông Trudeau ký các hiệp định an ninh với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tương tự các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD mà Ukraine ký kết với Pháp và Đức gần đây.
Dù đang đối mặt tình trạng thiếu hụt khí tài và đạn dược, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine tự tin giành chiến thắng trước Nga và để đạt được điều này cần có sự đoàn kết và hỗ trợ của phương Tây.
Thể hiện cam kết này, Anh hôm 24-2 công bố gói viện trợ quốc phòng trị giá 311 triệu USD cho Ukraine. Tuy gói viện trợ 61 tỉ USD của Mỹ dành cho Ukraine vẫn bị treo tại quốc hội song Nhà Trắng hôm 23-2 công bố hơn 500 lệnh trừng phạt mới nhằm vào các cá nhân và thực thể Nga cũng như áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với gần 100 thực thể với lý do hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga.
Trong khi đó, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 23-2 kêu gọi Nga chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhấn mạnh nhu cầu cơ bản là tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ xung đột leo thang và lan rộng.
Tại cuộc họp này, Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tuyên bố cuộc xung đột ở Ukraine sớm muộn cũng sẽ kết thúc, đồng thời cảnh báo sự hỗ trợ của phương Tây càng kéo dài thì các điều kiện hòa bình càng ít có lợi cho Ukraine.
Ông Nebenzia nhấn mạnh Ukraine sẽ an toàn với điều kiện đó phải là một Ukraine "hòa bình, trung lập, không phân biệt đối xử và bài Nga, cũng như không gây mối đe dọa cho Nga".
Vẫn còn chỗ cho ngoại giao?
Một báo cáo dài 43 trang do Viện Nghiên cứu Quincy về nghệ thuật quản lý nhà nước có trách nhiệm (QIRS, trụ sở ở Mỹ) công bố mới đây đã bác bỏ quan điểm cho rằng chấm dứt xung đột thông qua đàm phán là điều không thể.
Hai tác giả của báo cáo - cựu chuyên gia phân tích George Beebe của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và nhà phân tích chính sách người Anh Anatol Lieven - thừa nhận tiến trình thỏa hiệp sẽ không dễ dàng.
Theo báo cáo, bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm tàng nào cũng phải đề cập một số mục tiêu chính của Ukraine, Nga, Mỹ và châu Âu.
Đối với Ukraine, đó là bảo đảm nước này không dễ bị tổn hại trước một cuộc tấn công khác của Nga, cũng như có hướng đi khả thi đến tái thiết và thịnh vượng kinh tế.
Đối với Nga, đó là bảo đảm Ukraine sẽ không phải là đồng minh của Mỹ hoặc trở thành nơi đặt vũ khí hoặc lực lượng của NATO.
Đối với Mỹ và châu Âu, đó là bảo đảm Nga sẽ không biến thắng lợi quân sự ở Ukraine thành mối đe dọa lớn hơn đối với các nước láng giềng của Moscow hoặc các quốc gia thành viên NATO.
Theo trang Bloomberg, Ukraine đang thúc đẩy một hội nghị cấp cao để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Ukraine muốn sự kiện này diễn ra vào tháng 3 nhưng nhiều khả năng phải lùi sang tháng 4 hoặc 5 do chưa có nhiều nhà lãnh đạo hưởng ứng.
Thụy Sĩ nói sẵn sàng đứng ra tổ chức hội nghị và đang tìm hiểu mức độ quan tâm của các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Bên lề Hội nghị An ninh Munich tại Đức mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định hiện vẫn chưa chín muồi cho các bên trở lại bàn đàm phán nhưng không nói lý do. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực nhưng trách nhiệm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng không chỉ của riêng Bắc Kinh.
Những điểm nóng giao tranh
Theo tờ The New York Times, chiến dịch quân sự của Nga hiện chia thành 5 tuyến tấn công chính, trải dài trên các thị trấn và thành phố ở hầu hết mặt trận phía Đông và phía Nam Ukraine.
Điểm nóng quan trọng đầu tiên là TP Avdiivka, nơi Nga chiếm quyền kiểm soát hôm 17-2. Chiếm được Avdiivka đồng nghĩa quân đội Nga có thể di chuyển binh sĩ và khí tài hiệu quả hơn để gia tăng sức ép lên lực lượng Ukraine từ nhiều hướng.
Điểm nóng tiếp theo là thị trấn Marinka, cũng vừa rơi vào tay Nga hồi tháng trước. Sự sụp đổ của Marinka cho phép quân đội Nga tập trung về phía Nam và một thành trì quan trọng khác của Ukraine là Vuhledar.
Làng Robotyne là điểm nóng giao tranh khác. Ukraine chiếm được Robotyne vào mùa hè năm 2023 và Moscow dường như đang quyết tâm giành lại khi tập trung binh sĩ ở nơi đây nhiều hơn cả Avdiivka - theo người phát ngôn của lực lượng Ukraine chiến đấu ở miền Nam.
Nga cũng đang đẩy mạnh chiến dịch quân sự từ TP Kreminna để giành lại các thị trấn ở phía Đông Bắc của Ukraine sau khi bị đánh bật ra vào cuối năm 2022. Song song đó, các lực lượng Nga và Ukraine vẫn so kè ở TP Bakhmut.
Cao Lực
Bình luận (0)