Họ khéo léo tái sử dụng những bộ đồng phục không còn vừa của con để hướng tới mục tiêu tạo ra các lớp học không phát thải.
Bà Leonie Nagarajan sinh ra ở Đức, còn bà Zinobia Tinwala đến từ Ấn Độ. Cả hai sinh sống ở Singapore đã lâu và gặp nhau khi cùng là thành viên Nhóm Hỗ trợ phụ huynh (PSG) tại Trường Tiểu học Changkat, nơi con họ theo học. Thời điểm tốt nghiệp (năm 2022), con họ để lại nhiều sách vở cùng đồng phục không sử dụng nữa, cũng là lúc hai bà mẹ này bắt đầu suy nghĩ về những sáng kiến bền vững.
Thế là doanh nghiệp xã hội "Lớp học tuần hoàn" ra đời vào năm 2023. Qua bàn tay họ, đồng phục cũ được "tái sinh" thành túi xách, bao đựng laptop, vòng hoa Giáng sinh, thú nhồi bông, tạp dề… "Sau nhiều tìm hiểu, chúng tôi quyết định thành lập một doanh nghiệp để làm lợi cho môi trường và xã hội bằng sách vở cùng đồng phục cũ" - bà Nagarajan kể lại.
Trong Kế hoạch Xanh Singapore 2030, Singapore đặt mục tiêu giảm 2/3 lượng phát thải carbon ròng trong lĩnh vực trường học và có ít nhất 20% trường học đạt trung hòa carbon. Bà Tinwala cho hay "Lớp học tuần hoàn" chọn đồng phục cũ - vốn rất dồi dào - để tái chế vì đây là những món đồ rất gắn bó với học sinh, lại có nhiều màu sắc và họa tiết nên phát huy được khả năng sáng tạo.
Theo kênh Channel News Asia, "Lớp học tuần hoàn" hợp tác với các trường phát động chiến dịch quyên góp đồng phục. Các bộ đồng phục còn tốt sẽ được bán cho học sinh có nhu cầu, còn lại sẽ được cắt may thành hàng loạt sản phẩm khác. "Chúng tôi không muốn lãng phí. Thắt lưng và ngay cả nút áo cũng được giữ lại để sử dụng trong tương lai. Chỉ riêng năm 2024, "Lớp học tuần hoàn" đã hợp tác với 28 trường và có kế hoạch nâng lên 60 trường trong năm 2025. Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác với tất cả trường học ở Singapore" - bà Nagarajan nhấn mạnh.
Bà Tinwala vốn là nghệ sĩ xếp giấy origami kiêm thợ may nên chịu trách nhiệm thiết kế sản phẩm. Theo bà, các món đồ tái chế của "Lớp học tuần hoàn" ưu tiên theo hướng sử dụng được trong trường học, cũng chính là nơi họ tận dụng nguyên vật liệu.
Không dừng lại ở trường học, hai bà mẹ còn bắt tay với thợ may thuộc một số tổ chức phát triển cộng đồng, quỹ từ thiện để tạo việc làm cho các nhóm dễ bị tổn thương hoặc tổ chức hoạt động cho người cao tuổi trong viện dưỡng lão... Thông qua những hoạt động kể trên, "Lớp học tuần hoàn" hy vọng nâng cao nhận thức và tạo thói quen sống bền vững cho nhiều đối tượng, nhất là học sinh nhỏ tuổi.
"Chúng tôi hợp tác với nhiều trường để tổ chức các giờ ngoại khóa, giúp học sinh nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường" - bà Nagarajan bày tỏ.
Bình luận (0)