Lớp phủ năng lượng mặt trời này được làm từ các vật liệu gọi là perovskite - một khoáng vật được phát hiện ở vùng núi Uran của Nga vào năm 1839. Đài CNN dẫn nghiên cứu của Trường ĐH Oxford đánh giá perovskite có tiềm năng tạo ra lượng năng lượng nhiều gấp gần hai lần các tấm pin mặt trời đang được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân là do các lớp hấp thụ ánh sáng của perovskite thu nhận được nhiều ánh sáng hơn trong quang phổ mặt trời so với tấm pin truyền thống. Nhiều ánh sáng hơn có nghĩa là nhiều năng lượng hơn.

Một tấm phim mỏng làm bằng vật liệu perovskite được thử nghiệm tại Trường ĐH Oxford (Anh) Ảnh: CNN
Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Oxford không phải là những người duy nhất chế tạo loại lớp phủ này nhưng sản phẩm của họ đặc biệt hiệu quả, thu nhận khoảng 27% năng lượng trong ánh sáng mặt trời. Để so sánh, các tấm pin mặt trời làm bằng vật liệu silicon hiện nay thường chuyển đổi tối đa khoảng 22% ánh sáng mặt trời thành năng lượng. Các nhà nghiên cứu tin rằng theo thời gian, perovskite có thể đạt được hiệu suất vượt quá 45%, dựa vào thành quả họ đạt được chỉ trong 5 năm thử nghiệm là tăng hiệu suất từ 6% lên 27%. Ông Junke Wang, một trong các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu trên, cho biết lớp phủ perovskite có thể được ứng dụng trên nhiều loại bề mặt khác nhau như nóc ô tô, mái các tòa nhà, thậm chí là trên lưng điện thoại di động.
Với perovskite, các nhà khoa học vẫn đau đầu vì độ ổn định của vật liệu này chưa cao, khiến nó chưa được thương mại hóa. Một số lớp phủ khi được thí nghiệm đã bị hòa tan hoặc phân hủy chỉ sau thời gian ngắn, tức kém bền hơn các tấm pin quang năng hiện nay. Với mục tiêu trước mắt là cải thiện "tuổi thọ" của lớp phủ, ông Henry Snaith, nhà nghiên cứu chính của nhóm Oxford, khẳng định công trình của họ vẫn có tiềm năng thương mại mạnh mẽ và có thể ứng dụng trong các ngành công nghiệp như xây dựng và sản xuất ô tô.
Bình luận (0)