Ngày 5-4, tại Hợp tác xã Thuận Tiến (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ khởi động "Cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp" thuộc đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" (viết tắt là đề án).
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết trong những qua, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL có rất nhiều cải tiến như: nhiều loại phân bón thế hệ mới, nhiều giống lúa chất lượng cao, cơ giới hóa cũng như trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho sản xuất lúa. Tuy nhiên những cái này vẫn còn rời rạc.
"Cánh đồng 1 triệu ha lúa chất cao, phát thải thấp thì chất lượng cao ở đây không phải là giống lúa chất lượng cao mà là các công nghệ cao, các sản phẩm hàng hóa cao cấp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành và làm giảm phát thải, tăng lợi nhuận cho nông dân. Mục tiêu của đề án là như vậy" – ông Tùng nhận định.
Đối với một quốc gia, theo tính toán khoảng 50 % lượng phát thải khí nhà kính là từ ngành nông nghiệp. Trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam, thì hơn 50% lượng phát thải khí nhà kính đến từ sản xuất lúa gạo. Theo ông Tùng, từ nguyên đó, Chính phủ cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra những vấn đề đầu tiên đối với sản xuất lúa để làm giảm phát thải khí nhà kính, sau đó sẽ lần lượt đến các loại cây trồng khác hoặc là ngành chăn nuôi.
Đề án giúp nông dân có lợi nhuận kép từ việc bán lúa chất lượng cao và tín chỉ carbon
Ông Nguyễn Cao Khải, đại diện Hợp tác xã Thuận Tiến, chia sẻ: "Đề án nói trên khi thực hiện sẽ cao hơn những mô hình khác mà trước đây hợp tác xã từng làm nhưng về bản chất thì cũng có nét giống như: cấy thưa, xạ thưa… Đồng thời, khi thực hiện đề án, ngoài có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nông dân còn được tăng lợi nhuận khi bán tín chỉ carbon".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cam kết rằng thành phố sẽ cố gắng thực hiện thắng lợi đề án. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải với quy mô 38.000 ha, giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000 ha theo kế hoạch.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), khi thực hiện đề án nói trên, ĐBSCL có thể giảm 10 triệu tấn carbon. Với đề án này, WB cũng cam kết mua tín chỉ carbon ở mức 10 USD/tấn CO2. Tính ra, 1 ha lúa có thể thu về 100 USD từ việc bán tín chỉ carbon. 1 triệu ha có thể thu về khoảng 100 triệu USD/năm.
Bình luận (0)