Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương đóng góp cho dự thảo tờ trình Thủ tướng về việc phê duyệt "Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg năm 2022 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỉ USD - tăng 6,2% so với năm 2021.
ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn/năm. ĐBSCL chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.
Thu nhập của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL còn thấp do quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chất lượng gạo chưa đồng đều. ĐBSCL chưa có những vùng chuyên canh lúa quy mô lớn với sự liên kết, hợp tác giữa người trồng và HTX, doanh nghiệp. Các biện pháp canh tác chưa thực sự bền vững; nông dân còn sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Nếu hệ thống canh tác không thay đổi thì sẽ gây nguy cơ suy giảm tài nguyên, lãng phí đầu vào và nhất là ảnh hưởng đến môi trường, gây phát thải khí nhà kính.
Nhiều chương trình, dự án, mô hình tiên tiến đã được các địa phương ĐBSCL đầu tư, hợp tác với các tổ chức, bộ, ngành nhằm thúc đẩy hệ thống sản xuất lúa gạo bền vững. Qua đó, tạo thu nhập cao hơn cho nông dân, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam. Trong đó, một trong những dự án nổi bật là Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), thực hiện từ năm 2015 đến 2022, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới.
Nhờ áp dụng đúng những biện pháp kỹ thuật nên các hộ nông dân tham gia VnSAT đã đạt được kết quả rất tốt: Lợi nhuận ròng tăng 30% so với canh tác truyền thống, chi phí lúa giống giảm 30%-40%, chi phí phân bón giảm bình quân 35%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 48% và lượng nước tưới cũng giảm. Dựa vào kết quả đo đạc từ đồng ruộng, ước tính VnSAT đã giúp giảm khoảng 1,5 triệu tấn CO2/năm. Nếu dự án này được nhân rộng thì tiềm năng đóng góp vào mục tiêu giảm khí phát thải của quốc gia và của ngành là rất lớn.
Nông dân ĐBSCL đã áp dụng cơ giới hóa rộng rãi trong sản suấtẢNH: CA LINH
Lợi nhuận trên 40% doanh thu
Theo Bộ NN-PTNT, Đề án chia làm 2 giai đoạn, triển khai tại 12 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030.
Giai đoạn 1 thực hiện từ khi Đề án được phê duyệt đến năm 2025. Trong năm 2024, cơ quan chức năng sẽ kiểm đếm, cấp tín chỉ carbon cho diện tích trong dự án VnSAT tài trợ từ năm 2017 - 2022 (khoảng 180.000 ha) ở Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà tài trợ để chứng nhận và phát hành tín chỉ carbon cho những diện tích đã đạt chuẩn.
Trên cơ sở vùng dự án VnSAT, năm 2025 sẽ mở rộng ra các vùng có tiềm năng cao và đạt các tiêu chí tham gia Đề án. Dự kiến năm 2025, thêm 100.000 ha sẽ tham gia Đề án và bảo đảm đạt mục tiêu 300.000 ha. Trong giai đoạn 2 (2026 - 2030), mở rộng dần với sự đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để hướng tới mục tiêu khoảng 1 triệu ha vào năm 2030.
Trong giai đoạn 1, lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa ổn định, đạt trên 35% tổng doanh thu. Lượng gạo xuất khẩu thương hiệu Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Trong giai đoạn 2, lợi nhuận bình quân của nông dân ổn định và đạt trên 40% tổng doanh thu. Lượng gạo xuất khẩu thương hiệu Việt Nam chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Dựa trên số liệu từ dự án VnSAT, suất đầu tư trung bình cho 1 ha là 800 USD. Như vậy, với 1 triệu ha sẽ cần khoảng 800 triệu USD (tương đương 19.000 tỉ đồng). Dự kiến, vốn ODA hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chiếm khoảng 60%, vốn đầu tư đóng góp của doanh nghiệp và nông dân khoảng 20%, vốn từ ngân sách khoảng 20%.
Về hiệu quả kinh tế, mục tiêu là giảm 20% chi phí sản xuất (tương đương 9.000 tỉ đồng/năm) nếu xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha (sản lượng 13 triệu tấn lúa). Giá bán lúa dự kiến tăng 10% so với canh tác truyền thống. Nếu tính tổng thể 1 triệu ha (hay 13 triệu tấn lúa), ước lợi nhuận từ sản xuất lúa tăng khoảng 15.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, ĐBSCL là vùng rất có lợi thế. Tuy nhiên, cần xác định được các "điểm nghẽn" của sản xuất lúa vùng ĐBSCL để giải quyết nhằm thực hiện Đề án hiệu quả.
Phải có chính sách tạo sự khác biệt
Tại hội thảo tham vấn ở Hậu Giang mới đây, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này sẽ tham gia Đề án với bất cứ giá nào. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phân nhiệm vụ rõ ràng: Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, HTX hay nông dân làm gì; nếu không sẽ lúng túng, giẫm chân nhau.
"Phải có chính sách tạo sự khác biệt cho cả doanh nghiệp, HTX và nông dân. Quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách" - ông Thư nhìn nhận.
Bình luận (0)