Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 quy định người điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng nếu không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ 3 điểm giấy phép lái xe. Mức phạt này cao gấp nhiều lần so với quy định trước đây.
Trong khi đó, với người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (trước đây 800.000 - 1 triệu đồng).
Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với luật sư Trần Thị Thanh Thảo.
Thực tế, người dân hiện nay khi di chuyển đến các đèn tín hiệu giao thông mà gặp đèn đỏ thường "mặc nhiên" cho phương tiện rẽ phải. Tuy nhiên, theo quy định không phải lúc nào cũng được phép làm điều này.
Cụ thể, theo một cán bộ thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM, người dân chỉ được rẽ phải khi có sự điều tiết của lực lượng Cảnh sát giao thông; có biển được phép rẽ phải khi đèn đỏ; có đèn mũi tên màu xanh được phép rẽ phải; tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Phóng viên Báo Người Lao Động cũng đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần.
* Phóng viên: Nghị định 168/2024 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, theo đó việc không chấp hành đèn tín hiệu giao thông mức phạt là rất lớn. Thưa luật sư, người dân có được rẽ phải khi gặp đèn đỏ?
- Luật sư Trần Thị Thanh Thảo: Căn cứ điểm c khoản 4 điều 11 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), tín hiệu đèn giao thông màu đỏ là cấm đi. Như vậy, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được rẽ phải trừ trường hợp những nơi có biển báo phụ cho phép được rẽ phải.
Đối với trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy nếu gặp tín hiệu đèn giao thông là đỏ mà rẽ phải trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm c khoản 7 và điểm b khoản 13 Nghị định 168/2024.
* Vậy trường hợp nào thì người dân được rẽ phải?
- Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ đã có quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu.
Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
2. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu.
4. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời.
Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Như vậy, theo các quy định trên, khi tham gia giao thông mà gặp đèn đỏ thì các phương tiện phải dừng lại theo quy định, chỉ trong một số trường hợp được cho phép thì người tham gia giao thông mới được rẽ phải, gồm:
- Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
- Có đèn tín hiệu hình mũi tên chuyển màu xanh, cho phép rẽ phải.
- Có biển báo cho rẽ phải.
- Có hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường như vạch mắt võng bố trí ở làn đường trong cùng bên phải, tiểu đảo phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.
Bình luận (0)