Ban đầu, nghe cái tên ấy, tôi tặc lưỡi, bĩu môi vì ly cà phê gì mắc quá. Rồi nhờ quen biết những anh em nhà báo trong tỉnh, tôi đã hiểu được "nội tình". Người chia sẻ cho tôi nhiều nhất là anh Huỳnh Văn Thương (phóng viên Đài PT-TH Quảng Ngãi), một thành viên ban tổ chức chương trình này.
Anh kể với tôi, chương trình bắt nguồn từ ý tưởng "đĩa cơm trên tường". Từ năm 2016, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã "khai trương" chương trình này lần đầu tiên. Và cứ thế, đều đặn mỗi ngày thứ 7 đầu tháng, hội sẽ chọn một quán cà phê và tổ chức chương trình. Đây là hình thức quyên góp tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó mà nhiều người bị bệnh trầm kha được chữa trị, học sinh nghèo được tiếp tục đến trường.
Tôi nhớ nhất thời điểm dịch COVID-19 ở Bắc Giang. Khi ấy, cũng với "Ly cà phê 50 ngàn", Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã góp được số tiền hơn 100 triệu đồng và gửi số 100 triệu ấy ủng hộ tỉnh Bắc Giang chống dịch, với khẩu hiệu "Hướng về Bắc Giang". Nói một cách khiêm tốn, tỉnh lẻ của chúng tôi đã có thể làm một chuyện "động trời" và "Ly cà phê 50 ngàn" không chỉ tham gia công tác xã hội, mà đã góp phần tham gia một công tác mang tầm lớn hơn, khi Nhà nước xem chống dịch là chống giặc.
Giọt cà phê bao giờ cũng đắng nhưng tình người làm cho giọt đắng ấy trở nên ngọt ngào, đậm đà hơn. Bất chợt viết đến đây, tôi nhớ đến hai câu đầu trong ca khúc "Ngẫu hứng phố" của nhạc sĩ Trần Tiến: "Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất bạn bè thôi/ Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất tình nguời thôi". Đắt là giá bao nhiêu? Có lẽ là vô giá. Thế nên bây giờ ngẫm lại tôi mới thấy, 50 ngàn để mua một tình thương hãy còn rẻ chán.
(Bài dự thi cuộc thi "Cảm tưởng về cà phê - trà Việt" thuộc chương trình "Tôn vinh cà phê - trà Việt" lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Bình luận (0)