
Tỉnh mới Quảng Trị sau sáp nhập sẽ có diện tích gần 12.700 km² và dân số hơn 1,86 triệu người
Ngày 4-5, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết trong đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh vừa được trình, 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ được hợp nhất thành một tỉnh mới mang tên Quảng Trị. Trung tâm hành chính đặt tại TP Đồng Hới (Quảng Bình).
Quyết định đặt tên tỉnh mới là Quảng Trị sau sáp nhập đã được Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng. Hai tỉnh này có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa và lịch sử phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là khu vực từng hợp nhất trong lịch sử dưới tên gọi Bình Trị Thiên. Việc tái lập địa giới hành chính liên tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo ra một cực tăng trưởng mới ở Bắc Trung Bộ, phát huy tối đa các lợi thế về du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu và tài nguyên.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới vẫn được giữ là Quảng Trị vì đây là quyết định chủ yếu nhằm bảo đảm tính kế thừa, ổn định và giảm thiểu xáo trộn trong đời sống hành chính và xã hội của người dân và doanh nghiệp. Việc duy trì tên một trong 2 tỉnh hiện hữu không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chuyển đổi mà còn giữ nguyên phần lớn hệ thống giấy tờ, biển hiệu và thông tin định danh đã có.
Thêm vào đó, địa danh "Quảng Trị" mang đậm chiều sâu lịch sử, gắn bó lâu dài với vùng đất anh hùng trong công cuộc kháng chiến, tạo dấu ấn sâu sắc trong tâm thức người dân cả nước. Việc chọn tên Quảng Trị và đặt trung tâm hành chính của tỉnh mới tại Quảng Bình - cũng nhằm tạo sự cân bằng giữa yếu tố biểu tượng và thực tiễn, giữ được truyền thống lịch sử và thuận lợi cho công tác quản lý sau sáp nhập.
Tỉnh mới Quảng Trị sau sáp nhập với Quảng Bình sẽ có diện tích gần 12.700 km² và dân số hơn 1,86 triệu người, gấp đôi mức tiêu chuẩn hiện nay đối với các tỉnh. Sau khi sáp nhập, tỉnh mới sẽ gồm 78 đơn vị hành chính cấp xã (69 xã, 8 phường và 1 đặc khu).
Trong đó có 5 phường và 36 xã từ Quảng Bình, 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu từ Quảng Trị.
Trung tâm hành chính tại Đồng Hới
Việc trung tâm chính trị và hành chính của tỉnh Quảng Trị mới sẽ đặt tại TP Đồng Hới, Quảng Bình nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo phương án trình, Đồng Hới có nhiều điều kiện vượt trội để trở thành trung tâm hành chính nhờ vị trí địa lý trung tâm và khả năng kết nối thuận lợi. Thành phố nằm gần giữa tỉnh mới, cách đều các khu vực xa nhất như Tuyên Hóa (Quảng Bình - phía tây bắc) và Hải Lăng (Quảng Trị - phía nam), giúp việc quản lý và điều hành trở nên dễ dàng hơn.
Đồng Hới sở hữu hệ thống hạ tầng đồng bộ, với các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam và sân bay Đồng Hới hiện đang được mở rộng thành sân bay quốc tế.
Với dân số hơn 155.000 người, là đô thị loại II, Đồng Hới có tiềm năng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực như hành chính, dịch vụ, du lịch và logistics. Thành phố cũng có quỹ đất rộng, cảnh quan thiên nhiên phong phú và hệ thống hạ tầng xã hội tương đối hoàn chỉnh. Việc chọn Đồng Hới làm trung tâm hành chính không chỉ dựa vào yếu tố vị trí mà còn hướng tới một mô hình quản trị hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị đa trung tâm, hiện đại và bền vững.
Đặc biệt, Đồng Hới không phải là lần đầu tiên được chọn làm trung tâm vùng. Trong suốt thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thành phố này từng là thủ phủ của toàn vùng Bình Trị. Vào năm 1831, vua Minh Mạng chọn Đồng Hới là thủ phủ đặt dưới quyền cai quản của Tổng đốc Bình Trị; năm 1890, Toàn quyền Đông Dương sắp xếp Quảng Bình - Quảng Trị thành tỉnh Bình Trị, tiếp tục chọn Đồng Hới làm thủ phủ.
Đến năm 1937, vua Bảo Đại cũng phê chuẩn việc đặt Đồng Hới làm nơi quản lý chung của Quảng Bình và Quảng Trị. Chính vì vậy, việc chọn Đồng Hới làm trung tâm ngày nay không chỉ là một giải pháp tối ưu mà còn là sự tiếp nối lịch sử, củng cố tính chính danh và tạo sự đồng thuận từ người dân hai địa phương.
Bình luận (0)