Chúng tôi đến khu dân cư Trường Phúc (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hỏi lớp học của thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (công tác tại Đồn Biên phòng Cầu Bóng, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) thì ai cũng thân thương gọi là "thầy Tưởng" và chỉ đường rất nhiệt tình.
Được đi học, vui quá
Lớp học là nhà văn hóa tổ 19 nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Ngồi chờ trước cửa lớp là bà Lê Thị Thúy An (38 tuổi) chở 2 đứa con từ phường Vĩnh Hòa cách đó 5 km đến để nhờ thầy Tưởng dạy chữ.
Kể về hoàn cảnh của mình, bà An cho biết quê An Giang, cha mẹ mất sớm nên bà như người vô gia cư, từ nhỏ không được học hành. Sau khi lấy chồng, có con thì theo chồng về Nha Trang mưu sinh. Hai đứa bé sinh ra không có giấy khai sinh. Bà An nhiều lần về quê xin địa phương chứng nhận nơi sinh để 2 con đi học nhưng giấy tờ không hợp lệ.
Một lớp học cho trẻ em nghèo mà thầy giáo là thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng
"Thấy 2 đứa con cứ xin đi học, lấy tấm bìa các-tông tập viết chữ thì thương con quá. Nghe có người nói về lớp học của thầy Tưởng, tôi mừng quá, đến xin cho 2 đứa đi học thì thầy Tưởng đồng ý ngay. Hai đứa được đi học nên vui quá trời. Về nhà đứa nào cũng ngoan, thích học bài lắm. Bây giờ nó hơn mẹ nó là biết đọc chữ rồi" - bà An nghẹn ngào.
Từ 18 giờ 30 phút, những đứa trẻ đã ngồi dọc con hẻm quanh lớp học để chờ vào lớp. Từ xa, thiếu tá Tưởng trong bộ quân phục xanh đi xe máy đến, lũ trẻ đứng cả dậy, bao quanh thầy. Lớp học chia thành 3 dãy. Bên trái là chương trình lớp 4-5, ở giữa là chương trình lớp 2-3, còn bên phải là của các em học sinh lớp 1. Thầy kiểm tra chữ viết, tập đọc cho các em lớp 1 rồi yêu cầu các em viết bài. Đến lượt lớp 2-3, thầy kiểm tra bài cũ, giảng bài mới và ra bài tập cho khối lớp lớn. Sau đó thì cứ xoay vòng trở lại.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng cho biết: "Khi mới về đây nhận công tác, tôi chứng kiến nhiều em nhỏ từ 7-16 tuổi không biết đọc, biết viết, chơi bời lêu lổng. Qua tìm hiểu, cha mẹ các cháu không có nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh rất khó khăn. Một số gia đình bố mẹ ly hôn, đi trại cải tạo hoặc mất sớm cho nên con cái ở với ông bà, số thì sinh con nhưng không có giấy giá thú, không đăng ký hộ khẩu... Hoàn cảnh khốn khó, thiếu các giấy tờ cần thiết để ra trường công học. Không những thế, các em phải sớm mưu sinh lo cho miếng ăn của gia đình bằng nghề thu gom chai, lọ, bán vé số, làm thuê... thậm chí là tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy".
Những điều đó khiến thiếu tá Tưởng nhiều đêm trăn trở, thổn thức vì thương cho các cháu, các em nhỏ, không biết tương lai các em sẽ ra sao. Đầu năm 2004, thiếu tá Tưởng đề xuất mở lớp dạy chữ cho các em nhỏ do anh đứng lớp và được lãnh đạo Đồn Biên phòng Cầu Bóng và phường Vĩnh Phước ủng hộ nhiệt tình. Phường dành hẳn nhà văn hóa tổ 19, phường Vĩnh Phước để làm lớp học.
Gian nan gieo chữ
Thiếu tá Tưởng kể: "Ban đầu chỉ có 5, 6 học trò đến lớp. Việc vận động các cháu đi học hết sức gian nan, thậm chí bị các cháu phản ứng rất dữ dội, nói tục, chửi bậy. Tôi đến từng nhà để động viên bố mẹ; nhờ hàng xóm, đoàn thể khuyên bảo các em đến lớp. Ban đầu các em đến chỉ để chơi chung với các bạn, thích về thì về. Các cháu bỏ về nhưng thấy bạn học thì lại buồn. Rồi tò mò và cuối cùng nhận vở nhận sách đi học".
Thấu hiểu được tâm tư và hoàn cảnh của các cháu nên thiếu tá Tưởng luôn động viên các em đi học. Nhiều khi các cháu không đến lớp, người cán bộ biên phòng này phải đến tận nhà để tìm hiểu, thông báo lại cho cha mẹ để kịp thời quan tâm. Trong các bài giảng, thiếu tá Tưởng luôn hướng các cháu tránh xa những tệ nạn xã hội, dạy dỗ kỹ năng sống, cách cư xử lễ phép với ông bà, cha mẹ.
"Hơn 17 năm dạy học, đến bây giờ có trường hợp tôi dạy lại con của học trò. Niềm vui lớn nhất của tôi không chỉ dạy chữ mà chính là dạy các em, các cháu trở thành người tốt. Giúp đỡ các em có kiến thức để tiếp tục học nghề sửa xe máy, may mặc..., kiếm được đồng tiền chính đáng, giúp đỡ gia đình" - thiếu tá Tưởng nói.
Hiện nay, mô hình dạy học của thiếu tá Tưởng được nhiều nơi phát huy, mở lớp học cho trẻ em nghèo. Tại đảo Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang), mới đây là mô hình dạy tiếng Anh của thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình (Đồn Biên phòng Bích Đầm). Đảo Bích Đầm cách đất liền hơn 10 hải lý, việc đi lại bằng thuyền rất khó khăn, nhất là gặp thời tiết xấu. Trẻ em nơi đây vẫn chưa được dạy học chương trình tiếng Anh tiểu học. Các em học hết lớp 5 vào đất liền học tiếp bậc THCS nên vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận môn tiếng Anh. Thậm chí nhiều em không theo kịp đã bỏ học.
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Hình từng tham gia khóa học tiếng Anh - Mỹ nâng cao của khóa sĩ quan hàng hải quốc tế tại Mỹ và lớp bồi dưỡng tiếng Anh ở Úc, vì vậy vốn kiến thức tiếng Anh khá tốt. Đồn Biên phòng Bích Đầm đã tổ chức lớp học tiếng Anh 2 buổi/tuần từ 19 giờ đến 20 giờ 30 phút. Các cháu được rèn luyện đồng thời 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và đặc biệt chú trọng đến nghe nói, phát âm.
Đến nay, các cháu đã có kiến thức cơ bản về tiếng Anh, được làm quen, khám phá, trải nghiệm và hình thành kỹ năng giao tiếp. Nhiều em bắt kịp ngay môn tiếng Anh khi vào đất liền học tập.
Nhân rộng mô hình
Đại tá Nhữ Mai Pháo, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, nhận xét việc duy trì lớp học hơn 17 năm cho thấy thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là người nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao và rất kiên nhẫn. Công việc thiện nguyện của "thầy Tưởng" góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ biên phòng, giúp các cháu, các em khi lớn khôn có nhận thức tốt hơn. Thiếu tá Tưởng là một tấm gương tiêu biểu của lực lượng Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, là một trong những gương mặt được góp mặt là đại biểu Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quốc.
Ngoài 2 đồn Cầu Bóng và Bích Đầm, hiện lực lượng Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đang nhân rộng mô hình vì trẻ em nghèo. Các đồn biên phòng, các phòng ban của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa mỗi năm đỡ đầu cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em một phần học bổng 500.000 đồng/tháng từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện nay, có 52 em được đỡ đầu như vậy.
Ông LƯU KIM HỒNG, Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Nidec Việt Nam - Khu Công nghệ cao TP (TP Thủ Đức, TP HCM):
Trang bị kiến thức căn cơ về chính trị
Để một chi bộ cơ sở (tế bào của Đảng) mạnh lên, tốt lên, hoạt động mạnh hơn, tôi nghĩ điều kiện cần và đủ là cấp ủy cơ sở cần được trang bị đủ kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để dẫn hướng, định hướng và tổ chức hoạt động cho chi bộ.
Việc trang bị cho cấp ủy cơ sở các nội dung nói trên có thể thông qua nhiều nguồn, như các buổi tập huấn kỹ năng công tác Đảng, kỹ năng vận động quần chúng, các buổi học tập nghị quyết... Nhưng tôi tâm đắc nhất là việc đào tạo một cách căn cơ, bài bản cho cấp ủy (ít nhất là bí thư, phó bí thư chi bộ) về lý luận chính trị. Có cơ sở lý luận vững chắc, được học bài bản, họ mới nâng cao chất lượng chi bộ được. Việc học không thể làm một cách cứng nhắc như lâu nay là phải đi học tập trung ở các lớp trung cấp chính trị nữa, vì đó là điều bất khả thi đối với các chi Đảng bộ doanh nghiệp có vốn FDI. Việc học nên cơ cấu lại thành các học phần và các bí thư, phó bí thư sẽ đi học hoặc học online từng học phần trong một thời gian dài hơn. Cần sắp xếp thứ tự ưu tiên của môn học để họ có thể học và áp dụng từng phần vào thực tế chi bộ họ, không dàn trải đều các môn.
Vấn đề tiếp theo là học phí các lớp này. Tôi là một bí thư chi bộ doanh nghiệp FDI, có khao khát học lớp trung cấp này và học ngoài giờ làm việc. Nhưng học phí hơn 10 triệu đồng/lớp thực sự là một trở ngại lớn làm tôi chùn bước. Tôi chỉ muốn học để trang bị kiến thức, trang bị cơ sở lý luận chính trị nhằm làm tốt hơn công tác Đảng tại đơn vị mình, tại sao phải đóng số tiền khá lớn như thế?
So với bí thư, phó bí thư cơ quan nhà nước được cơ quan đóng tiền cho học, đi học trong thời gian làm việc thì chúng tôi thiệt thòi: Mất thời gian học ngoài giờ làm việc, tự trang trải chi phí học... Điều này làm chúng tôi nản vì bị phân biệt đối xử, dẫn đến việc triệt tiêu ý chí phấn đấu cải thiện chất lượng đảng viên chi bộ FDI.
Mong các cấp của Đảng ghi nhận ý kiến này và nghiên cứu cải thiện vì mục đích chung là nâng chất, nâng tầm cán bộ, nâng cao chất lượng chi bộ, chất lượng đảng viên, qua đó giúp Đảng mạnh hơn, phát triển hơn ở các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Hồng Đào ghi
Bình luận (0)