Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc cơ bản nhất để bảo đảm xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Tập hợp trí tuệ tập thể
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi mới thành lập chính quyền cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng "một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân", dựa vào dân, tập hợp trí tuệ của tập thể. Từ đó, hình thành các tổ chức ủy ban Việt Minh ở cơ sở, ủy ban giải phóng và ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, liên tỉnh. Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào để bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - một tổ chức "tiền Chính phủ".
Nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được Quốc hội nước ta thực hiện triệt để. Trong ảnh: Phiên họp ngày 17-11-2023 của tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng.Ảnh: TƯ LIỆU
Cách mạng Tháng Tám thành công, Ủy ban Dân tộc Giải phóng cải tổ thành Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra mắt quốc dân ngày 2-9-1945, hoạt động cho đến khi Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức. Chính quyền các địa phương, gồm hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính (nay là ủy ban nhân dân), cũng được dân trực tiếp bầu ra, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Như vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm vận dụng hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ, nhờ đó mà cách mạng giành thắng lợi. Biểu hiện cơ bản nhất của nguyên tắc này là "Cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Đó cũng là tiêu đề một bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây hơn 75 năm, đăng trên Báo Sự thật số 100, ngày 23-9-1948, với bút danh X.Y.Z.
Bác viết: "Chính quyền thì có những hội đồng. Các đoàn thể thì có những ủy ban. Đó là tập thể lãnh đạo".
Người đặt câu hỏi: "Vì sao cần phải có tập thể lãnh đạo? Vì một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề". Người phân tích: "Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm. Ý nghĩa của tập thể lãnh đạo rất giản đơn, chân lý của nó rất rõ rệt. Tục ngữ có câu: "Khôn bầy hơn khôn độc" là nghĩa đó".
Vì sao cần phải cá nhân phụ trách? Bác nêu rõ: "Việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi, thì cần phải giao cho một người hoặc một nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ủy cho người kia, người kia ủy cho người nọ, kết quả là không ai thi hành. Như thế thì việc gì cũng không xong. Tục ngữ có câu: "Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa" là như thế".
Bài báo nhấn mạnh rằng lãnh đạo mà không do tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau. Đó là hai mặt thống nhất trong một chỉnh thể không thể tách rời.
Bài báo kết luận: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung".
Bài học vô giá
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp lớp cán bộ, đảng viên đã thống nhất ý chí và hành động, phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, vai trò cá nhân phụ trách trong hoạt động của Đảng, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tuy vậy, thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên nhận thức không thấu đáo cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, dẫn tới tha hóa quyền lực, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ; lợi dụng tập thể để hợp thức hóa sự độc đoán, lộng quyền, lạm quyền; biến quyền lực được ủy quyền thành quyền lực cá nhân để trục lợi; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Sai phạm của những cán bộ, đảng viên này không những làm tổn hại uy tín của Đảng mà còn tạo cơ hội cho những thế lực chống đối, những phần tử phản động lợi dụng để kích động, tuyên truyền sai lệch về nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta, gây xói mòn niềm tin trong nhân dân và bạn bè quốc tế.
Hiểu đúng và thực hành đúng nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề rất quan trọng trong sinh hoạt tư tưởng mà các chi bộ, Đảng bộ cần quan tâm.
Bình luận (0)