Vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2020, triển khai chương trình công tác năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã có bài phát biểu liên quan công tác cán bộ (CB).
Rà soát, bổ sung đúng quy định
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, ngành tổ chức xây dựng Đảng TP cần quan tâm đặc biệt đến công tác đánh giá CB; chủ động, kịp thời hơn nữa trong tham mưu rà soát, bổ sung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí CB theo đúng quy định, hướng dẫn của trung ương và tình hình thực tế của Đảng bộ TP, của các cơ quan, đơn vị.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác đánh giá CB là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến tất cả các khâu khác trong công tác CB.
"Thực tế cho thấy chỉ có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của CB mới có cơ sở cho việc tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí CB… một cách chính xác, khách quan. Ngược lại, nếu nhận xét, đánh giá chủ quan, không đầy đủ, chính xác về phẩm chất, năng lực CB sẽ dẫn đến bố trí, sử dụng không đúng và gây nên hậu quả khôn lường, nhất là bố trí sai đối với CB chủ chốt, người đứng đầu" - Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất tiếp tục thực hiện nghị quyết của Đảng về việc mỗi CB, đảng viên phải có chương trình hành động cụ thể trước khi nhận nhiệm vụ mới, bầu cử, bổ nhiệm… Chương trình hành động giúp CB, đảng viên khi tự phê bình có thể căn cứ vào nội dung đã đăng ký để tự đánh giá mình. Đối với chi bộ, căn cứ vào đó phân tích những việc đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân; từ đó phân tích, đánh giá CB ngay chi bộ, đơn vị mình.
Chương trình hành động cũng giúp cấp ủy đánh giá CB, đảng viên hiệu quả hơn, người đứng đầu chịu trách nhiệm việc đánh giá của mình với những căn cứ cụ thể. "Quan trọng nhất là từ chương trình hành động, nhân dân có thể giám sát CB, đảng viên thông qua mặt trận, HĐND. Ngành tổ chức xây dựng Đảng cần có hướng dẫn về cách làm, mức độ công khai… chương trình hành động để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác CB" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị ngành tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện hiệu quả Quy định 2265 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc điều chuyển, thay thế CB lãnh đạo, quản lý uy tín giảm sút; năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu; bổ sung các quy định có liên quan đến công tác CB của hệ thống chính trị TP trong tình hình hiện nay.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (thứ ba từ trái sang) trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Bảo đảm đúng nguyên tắc
Ông Ma Xuân Việt, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, cho biết công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách CB tại TP trong thời gian qua bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của TP, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng.
Ban Tổ chức Thành ủy cũng đã tham mưu về công tác xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược; qua đó củng cố, kiện toàn nhân sự một số cơ quan, đơn vị. TP cũng đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức nâng cao chất lượng đội ngũ CB, công chức hệ thống chính trị TP, nhất là đội ngũ CB lãnh đạo, quản lý các cấp.
Để thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển CB, một CB ở Quận ủy quận 3 cho rằng cần thực hiện thật tốt công tác nhận xét, đánh giá, quy hoạch làm cơ sở cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm CB. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với thực hiện nghị quyết, chương trình hành động nhiệm kỳ của cấp ủy; cần có tầm nhìn dài hạn theo giai đoạn cũng như có kế hoạch chi tiết, mục tiêu cụ thể từng năm nhằm bảo đảm tính khả thi và thực hiện thành công…
Theo ông Nguyễn Hồ Hải (Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy), Ban Tổ chức Thành ủy sẽ có hướng chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện để công tác đánh giá CB bảo đảm thực chất hơn. Cùng với đó là thực hiện bố trí và quy hoạch CB, trong đó công tác quy hoạch sẽ là cơ sở để đào tạo, luân chuyển, bố trí CB theo nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ
Trong năm 2020, TP HCM đã điều động, bổ nhiệm 96 CB; chỉ định, chuẩn y cấp ủy đối với 198 CB; phân công lại nhiệm vụ cho 51 CB; bổ nhiệm lại chức vụ cho 23 CB, giới thiệu 18 CB ứng cử; tham gia ý kiến các cơ quan trung ương 189 trường hợp...
Các đơn vị đã cử 100 CB tham gia lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và 120 CB đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung; cử 230 CB tham dự lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị...
Luật hóa để tạo điều kiện
Hiện nay, hoạt động Công đoàn (CĐ) được đưa vào luật và doanh nghiệp phải tạo điều kiện cho CĐ hoạt động; tạo điều kiện, thời gian để cán bộ CĐ hội họp, tổ chức sự kiện, thu kinh phí, đoàn phí...
Tuy nhiên, hoạt động của Đảng, Đoàn Thanh niên tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được quy định cụ thể trong luật. Điều này gây khó khăn cho hoạt động của chi bộ Đảng cũng như Đoàn Thanh niên ở cơ sở. Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu ban giám đốc hiểu, tạo điều kiện; chi ủy chi bộ, ban chấp hành chi đoàn nhiệt tình năng nổ, hoạt động còn khởi sắc, nếu không thì chỉ hoạt động cầm chừng hoặc hình thức. Như ở Công ty TNHH Long Rich, dù ban giám đốc rất ủng hộ nhưng chi ủy chi bộ công ty cũng tổ chức họp ngoài giờ, tránh tối đa ảnh hưởng đến việc sản xuất - kinh doanh. Điều này, cũng gây khó khăn cho hoạt động của chi bộ cũng như việc phát triển đảng viên mới. Bởi vậy, đa số công nhân đều lấy lý do có gia đình, bận rộn với việc sản xuất, từ chối khi được giới thiệu.
Vì thế, tôi đề xuất, hoạt động của chi bộ Đảng, chi Đoàn Thanh niên cũng được luật hóa để tạo điều kiện cho chi bộ, chi đoàn hoạt động.
Đảng viên Trịnh Thị Thủy, Phó Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Long Rich (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM)
Thi đua phải thực chất
Thi đua yêu nước vừa là đòn bẩy để kích thích, cổ xúy các nhân tố tích cực, thúc đẩy các hoạt động xã hội luôn hướng tới những giá trị của "chân - thiện - mỹ". Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua".
Thấm nhuần lời dạy của Người, từ lâu, công tác thi đua - khen thưởng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, từ đó đúc kết rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tiễn rằng "cán bộ nào phong trào ấy"; từ đó năng suất, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi ngành, địa phương luôn được tập trung đẩy mạnh, nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước cũng như từng địa phương.
Trong đó, đáng chú ý là vai trò của những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền luôn được đề cao tính tiên phong gương mẫu, theo tinh thần "cán bộ là cái gốc của mọi công việc" và phải luôn nhớ, làm theo lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy, cán bộ phải làm gương".
Tất cả vấn đề nêu trên là mặt tích cực, mặt đúng của chuyện thi đua, cần trân trọng và tiếp tục phát huy. Song, hiện vẫn có đơn vị chưa quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, để xảy ra những quan điểm lệch lạc như hành vi "đẹp khoe xấu che", giấu khuyết điểm để bảo vệ "màu cờ sắc áo"... Đó là những "điểm nghẽn" trong phong trào thi đua, chắc chắn sớm hoặc muộn sẽ làm cho chất lượng thi đua chùng xuống, thậm chí thoái trào.
Công tác thi đua phải thực sự trong sáng và công minh cả ở khâu tổ chức và giám sát, đánh giá kết quả. Có thế mới loại trừ được hành vi giả dối trong báo cáo kết quả thi đua, tiêu cực trong nhận xét thi đua... Mặt trái của công tác thi đua phải được vạch trần công khai trước dư luận để rộng đường phán xét, để đánh giá chính xác phong trào. Không để xảy ra chuyện xầm xì bàn tán xoay quanh kết quả thi đua, như từng xảy ra ở nhiều nơi. Quá trình phân loại, xếp hạng thi đua phải đạt được sự "tâm phục khẩu phục", làm cơ sở cho việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua tiếp theo để cùng hướng về mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".
Đảng viên Mai Lịch, cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Bình luận (0)