Công nhân - lao động có cần quan tâm chính trị hay không? Đem câu này hỏi nhiều công nhân, tôi vẫn hay nhận được câu trả lời là "không" vì họ cho rằng phải lo làm ăn. Vậy chính trị có cần thiết đối với công nhân - lao động hay không?
Tác động đến mọi người
Trước hết, phải thấy cho dù chúng ta có quan tâm hay không thì chính trị vẫn luôn hiện hữu và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Khi mọi người học tập, trao đổi, mưu sinh, tham gia các hoạt động xã hội thì chính là đang hoạt động chính trị.
Thực tế, để tìm hiểu và phân tích kỹ thì chính trị có nhiều cách hiểu khác nhau. Song, chung quy lại thì việc ban hành và thực thi chính sách cũng là một phần của chính trị. Cho dù mọi người có thể nói không quan tâm đến chính trị nhưng thực ra tất cả những chủ trương của Đảng, nhà nước đều có tác động đến tất cả chúng ta, trong đó có những công nhân.
Cho nên, là một công dân, là người lao động, tất nhiên mọi người trước hết là phải tuân thủ các quy định nhà nước, ngoài ra còn cần cất lên tiếng nói của mình khi có những chủ trương, chính sách được ban hành hay thực thi. Mà thực tế thì nhà nước rất cần có sự phản hồi từ phía các đối tượng chịu ảnh hưởng của các chủ trương để tiếp thu, nghiên cứu, sửa đổi quy định này hay quy định khác cho phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.
Tổ chức Đảng và Công đoàn, những địa chỉ tin cậy giúp công nhân - lao động tìm hiểu về chính trị. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt Đảng tại Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Ví dụ, Luật Bảo hiểm xã hội ra đời có quy định người lao động chỉ được lĩnh bảo hiểm khi đủ số năm đóng góp. Quy định này đã ảnh hưởng rất lớn đến những người lao động có đóng bảo hiểm, đặc biệt là những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khi cảm thấy bất cập, những người công nhân đã lên tiếng và đề nghị sửa đổi quy định bất hợp lý này. Các cơ quan có trách nhiệm đã lắng nghe, thấu hiểu và sửa đổi.
Một ví dụ khác, theo Bộ Luật Lao động của Việt Nam, người lao động làm trong giờ hành chính hưởng 100% lương, làm ngoài giờ hưởng 150%, làm thứ bảy và chủ nhật hưởng 200%, làm ngày lễ - Tết hưởng 300% lương. Giả sử nếu lương của một người lao động bình quân một ngày là 100.000 đồng; có một đợt lễ theo quy định của Chính phủ, người lao động được nghỉ 4 ngày. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp có đơn hàng nên những người lao động được yêu cầu đi làm vào những ngày nghỉ này. Thế nhưng, thay vì trả lương là 300% thì chủ sử dụng lao động chỉ trả như ngày bình thường với lý do là họ sẽ cho người lao động nghỉ bù trong 4 ngày khác. Nếu gặp tình huống này, người lao động sẽ thông báo, liên hệ với ai, cơ quan nào để đòi quyền lợi chính đáng của mình? Đó cũng chính là người lao động đã cất lên tiếng nói của mình khi có những chủ trương, chính sách được ban hành hay thực thi.
Đó chỉ là muôn vàn ví dụ về vai trò của chính trị, sự cần thiết của chính trị đối với mỗi người chúng ta. Chính trị không xa lạ với mọi người, mà rất gần gũi, thiết thực với mỗi người, trong đó có công nhân.
Cần định hướng nhận thức
Đối với công nhân, những hiểu biết về chính trị, về pháp luật, về những quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, những vấn đề về việc làm, về chế độ chính sách... đều là những hiểu biết về chính trị.
Chính trị quan trọng như vậy nhưng trong thực tế, do đời sống của một bộ phận công nhân vẫn còn không ít khó khăn nên nhiều người phải tập trung cho nhiệm vụ trước mắt và quan trọng là làm việc để có thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình, mà thờ ơ với chính trị.
Vì vậy, để những người công nhân thật sự quan tâm đến chính trị, có hiểu biết về chính trị thì các tổ chức Đảng, Công đoàn trong các doanh nghiệp cần thực hiện tốt vai trò định hướng nhận thức, đổi mới các hình thức tuyên truyền về chính trị bằng những nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn về đời sống, lao động, việc làm của công nhân, tạo điều kiện thuận lợi để họ thực hiện các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân...
Hiện nay, hầu như các doanh nghiệp đều có tổ chức Công đoàn hoặc có cả tổ chức Đảng và tổ chức Công đoàn. Đó là các chủ thể chịu trách nhiệm chính về việc tuyên truyền chính trị và các kiến thức pháp luật cho công nhân. Công đoàn ở nhiều nơi đã thành lập các trung tâm tư vấn, trung tâm trợ giúp pháp lý đối với người lao động. Đó là những địa chỉ tin cậy mà anh chị em công nhân - nếu muốn tìm hiểu về chính trị, pháp luật, có nhu cầu được tư vấn và bảo vệ - có thể liên hệ.
Vậy, chính trị không hề xa lạ như nhiều người hình dung. Do đó, công nhân có nên "đứng xa" chính trị không? Khi những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ban hành có tác động đến chính người lao động mà có bất cập, chúng ta lên tiếng và những bất cập ấy được sửa đổi thì chúng ta đã cùng nhà nước tạo ra một môi trường lao động ngày càng tốt đẹp hơn.
Đảng viên gương mẫu để dân noi theo
Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Tính đến trưa 13-6, cả nước đã vượt mốc 10.400 bệnh nhân Covid-19.
Trong các nguyên nhân khiến đại dịch này vừa qua lan nhanh ở nước ta, có việc một số người quá chủ quan, thiếu tinh thần cảnh giác, không chấp hành nghiêm túc thông điệp 5K mà Bộ Y tế khuyến cáo và chính quyền các cấp thường xuyên nhắc nhở. Điều này thể hiện qua những việc như vẫn tụ tập ăn nhậu, sinh hoạt đông người, không thực hiện khai báo y tế hoặc vì sợ phải cách ly tập trung nên cố tình khai báo không trung thực, đến khi phát bệnh mới khai báo thì bệnh đã lan ra nhiều người.
Trước tình hình này, đòi hỏi các chi bộ cơ sở cần quán triệt cho mỗi đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân trong việc thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế, luôn làm gương trong mọi sinh hoạt ở chính nơi đang sinh sống hay làm việc; phát hiện, nhắc nhở những người thiếu tinh thần cảnh giác, kịp thời khai báo với cơ quan chức năng đối với trường hợp nghi vấn. "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", có như vậy mới góp phần nhanh chóng khống chế và tiến đến vượt qua đại dịch Covid-19.
Trần Văn Bình (Chi bộ Tổ dân phố 5, phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)
Gắn chặt xây dựng với bảo vệ Tổ quốc
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XIII khẳng định: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng XHCN...
Như vậy, qua đây có thể hiểu các quan điểm của Đảng ta đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân: Thứ nhất, xây dựng đất nước gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Điều này rất phù hợp với quy luật biện chứng của con đường đi lên CNXH. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Trong một nước, không có gì quan trọng bằng phòng bị.
Thứ hai, xác định nhiệm vụ phòng thủ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, yêu cầu đặt ra là phải biết "khoan thư sức dân", dựa vào dân để xây dựng nền quốc phòng vững mạnh. Điều này cũng thể hiện rất rõ quan điểm lấy dân làm gốc của Đảng ta.
Thứ ba, trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của các yếu tố chính trị - tinh thần, kinh tế - xã hội, đối ngoại, đối nội... Trong đó, chính trị - tinh thần giữ yếu tố quyết định vì nó tác động trực tiếp, xuyên suốt, là chủ thể định hướng chiến lược chung.
Thứ tư, bên cạnh việc phát huy cao nhất mọi tiềm năng nội lực của đất nước, phải tranh thủ tối đa mọi nguồn ngoại lực hỗ trợ trong điều kiện phải giữ cho được tính độc lập dân tộc, quyền tự chủ của đất nước, không để bị lệ thuộc với bất kỳ lý do gì. Đây là quan điểm về nêu cao tinh thần dân tộc tự chủ, tự cường.
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Thứ sáu, giữ vững và thường xuyên phát huy cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành, sự tham mưu của các ban ngành, đoàn thể chính trị, vai trò nòng cốt của các lực lượng vũ trang.
Thiết nghĩ, hiểu rõ để thực hiện tốt các quan điểm của Đảng về quốc phòng là điều cần được chú ý đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mai Lịch (cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Bình luận (0)