Đảng bộ TP HCM đang đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Kết luận 21) và Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm (Quy định 37).
Phải tiên phong, gương mẫu
Cả 2 văn bản này đều do Ban Chấp hành Trung ương ban hành cùng ngày 25-10-2021.
Đề cập tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - cho biết từ Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng Đảng được mở rộng bao gồm 5 trụ cột cơ bản: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Qua đó cho thấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quản lý đảng viên là vấn đề hệ trọng gắn với sự sống còn của Đảng.
Toàn cảnh hội thảo giải pháp thực hiện Kết luận số 21 và Quy định số 37 do Học viện Cán bộ TP HCM và quận Phú Nhuận vừa phối hợp tổ chức
Theo bà Phạm Phương Thảo, việc xác định đường lối, nhiệm vụ chính trị đúng đắn là hết sức quan trọng nhưng để đường lối, nhiệm vụ đó trở thành hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thì phải làm tốt công tác tư tưởng.
"Nhiệm vụ trọng yếu của công tác tư tưởng không chỉ là triển khai, phổ biến chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng đến cán bộ, đảng viên mà còn phải rà soát, xác định xem cần chủ động định hướng tư tưởng thế nào, cần "xây" gì, "chống" những tư tưởng sai lệch gì để nghị quyết đi vào cuộc sống" - bà Phạm Phương Thảo nhìn nhận.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng hiện nay, cần tiếp tục xây dựng tư tưởng cách mạng tiến công với tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, tập trung chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vì lợi ích cá nhân mà có hành vi vi phạm những điều đảng viên không được làm; chống tư tưởng cầu an, co thủ không dám nói sự thật để bảo vệ người tốt, việc tốt; không dám làm vì sợ rủi ro, mất cơ hội thăng tiến; sợ bị "hình sự hóa" hành vi dám làm mà không vì động cơ vụ lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM, phân tích trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng thì tự phê bình và phê bình có vai trò rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Do đó, cần nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, "dĩ hòa vi quý". Cùng với đó là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng thời, chú trọng trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; cán bộ đảm nhận cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu trong chấp hành Điều lệ Đảng, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Đồng tình với quan điểm quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, ThS Nguyễn Thành Phương, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận Phú Nhuận, cho biết Đại hội XIII của Đảng khẳng định "công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt". Trong đó, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt".
Tại quận Phú Nhuận, việc đánh giá cán bộ được Ban Thường vụ Quận ủy quan tâm thực hiện chặt chẽ và đúng theo quy định "mỗi nhiệm kỳ đánh giá tổng thể một lần đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ".
"Cách làm này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho việc đánh giá cán bộ được toàn diện. Cần vận dụng cách đánh giá này khi thực hiện bổ nhiệm lại hoặc khi thực hiện công tác quy hoạch cán bộ" - ông Nguyễn Thành Phương nhìn nhận.
Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy quận Phú Nhuận cũng thông tin quận đã mạnh dạn thí điểm mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh quản lý. Chẳng hạn, mô hình kiêm nhiệm trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị quận; trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ quận… và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng - Học viện Cán bộ TP HCM Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh cán bộ là sợi dây kết nối giữa Đảng với dân, là người đưa chủ trương, đường lối của Đảng về với dân. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung vào tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện kéo dài.
Khi phát hiện sai phạm, cấp ủy, tổ chức Đảng phải giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong công tác kiểm tra, giám sát, cấp ủy, tổ chức Đảng cần có quy định, cơ chế, chính sách cụ thể trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt; có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo; khuyến khích nhân rộng những điển hình tiên tiến; nêu gương người tốt, việc tốt.
Xử lý nhanh chóng phản ánh của nhân dân
Để phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ThS Nguyễn Thị Phương Mai, Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng các tổ chức, cấp ủy Đảng cần làm tốt công tác tư tưởng để quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua đó, nhân dân tích cực đóng góp ý kiến cho Đảng, cấp ủy về mọi mặt, nhất là về xây dựng Đảng; thường xuyên lắng nghe, coi trọng ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân để đối thoại, tiếp thu, phản hồi, xử lý nhanh chóng, kịp thời...
Bình luận (0)