Mới đây, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, qua đó ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Võ Văn Thưởng lưu ý Khánh Hòa tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Xử lý nghiêm các tồn tại
Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng khá, giai đoạn 2012 - 2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa
So với năm 2011 thì năm 2019, quy mô nền kinh tế Khánh Hòa tăng 1,76 lần; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 70,07 triệu đồng - tăng 2,3 lần. Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực. Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.
Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã nhìn nhận công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Những sai phạm nghiêm trọng tại tỉnh Khành Hòa đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, gây bức xúc trong xã hội…
Chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa một mặt xử lý nghiêm các tồn tại, mặt khác chú trọng việc xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ.
Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng
Tại một cuộc họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để xử lý sai phạm, Khánh Hòa đã thành lập các tổ công tác giải quyết những vướng mắc đã nêu trong Thông báo 680 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Kết luận số 35 của Thanh tra Chính phủ...
Qua đó, Khánh Hòa đã thu hồi hơn 115 tỉ đồng; có các báo cáo gửi trung ương về giải quyết những vướng mắc và xin ý kiến trong quá trình thực hiện. Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã khởi tố 4 vụ án liên quan 5 dự án, khởi tố nhiều đối tượng liên quan một số dự án.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) chỉ đạt 44.525 tỉ đồng, giảm 5,58% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 15,88%; doanh thu du lịch giảm 52,78%; khách du lịch quốc tế giảm 93,82%; kim ngạch xuất khẩu giảm 4,42%...
Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội ở Khánh Hòa vẫn có những tín hiệu khởi sắc: Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 53.893 tỉ đồng, tăng 6,04% so với năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14.034 tỉ đồng, tăng 1,52%; tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt 71.458 ha, tăng 14,11%; xuất khẩu thủy sản đạt 96.200 tấn, tăng gần 29%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí...
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết bên cạnh việc xử lý những tồn tại, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được triển khai hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên ở thôn, tổ dân phố, trường học và trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Trong năm 2021, các tổ chức Đảng đã kết nạp 1.459 đảng viên; thành lập mới 2 tổ chức Đảng, kết nạp được 100 đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Khánh Hòa đẩy mạnh kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm tỉ lệ người phục vụ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Năm 2022, quyết tâm tăng trưởng kinh tế 8,5%
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra ngày 5-1, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết 2021 là năm Khánh Hòa đối mặt với khó khăn của dịch bệnh và thiên tai ở một số khu vực. Dù vậy, tỉnh đã thực hiện mục tiêu kép và đạt được nhiều chỉ tiêu như: thu ngân sách vượt 2%; triển khai thi công nhiều công trình; mở cửa du lịch có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tỉnh quyết tâm đạt tăng trưởng kinh tế 8,5%.
Khánh Hòa cũng đang báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thông qua đề án "Tổng kết thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030"; đồng ý ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; đồng ý chủ trương có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khánh Hòa để tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030 và thực sự trở thành động lực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cũng như cả nước…
Chất lượng cán bộ là then chốt
Ông Nguyễn Khắc Toàn cho rằng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, công tác nâng cao chất lượng cán bộ là hết sức then chốt.
Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành nhiều văn bản chú trọng việc nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược, như: Kết luận số 52-KL/TU (ngày 2-9-2021) về sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU về xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ đảm nhiệm các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và lãnh chủ chốt tỉnh đến năm 2025 và các năm tiếp theo; Quy định số 231-QĐ/TU (ngày 28-6-2021) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa còn tiến hành giám sát việc xây dựng chương trình, thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Theo ông Toàn, Khánh Hòa đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các chức danh lãnh đạo tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có sự thay đổi về nhân sự sau bầu cử. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chỉ đạo thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031.
Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ủng hộ về chủ trương, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030".
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa; phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở tuân thủ các quy chế, quy định của Đảng...
Xem trọng công tác đào tạo cán bộ trẻ
Ông Nguyễn Thanh Bình - cán bộ hưu trí ở phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cho rằng thời gian qua, địa phương này ngày càng phát triển về kinh tế - xã hội, cải thiện vị trí trong khu vực. Đây là thành quả chung của toàn xã hội, của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong quá trình này, đã có lúc, có nơi còn xảy ra sai phạm, gây bức xúc dư luận.
Ông Bình bày tỏ: "Với tư cách là người dân, là đảng viên lâu năm, tôi đánh giá cao việc Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã mạnh mẽ trong việc xử lý các sai phạm. Những sai phạm này đã được xử lý đúng người, đúng tội để làm gương, củng cố lòng tin trong quần chúng nhân dân. Bởi lẽ, Bác Hồ đã từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".
Theo ông Bình, để kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì công tác đào tạo cán bộ trẻ trong tương lai là điều vô cùng quan trọng. Khánh Hòa cần tuyển dụng các nhân sự trẻ, có kiến thức và trình độ. Việc đào tạo phải từ cơ sở đi lên, để cá nhân tích lũy đủ kinh nghiệm, bồi dưỡng thêm về trình độ chuyên môn, lý luận.
"Cũng cần xác định đào tạo hàng trăm người nhưng chỉ chọn được một số người tiêu biểu để bổ nhiệm vào các vị trí then chốt. Cán bộ đều có cơ hội phát triển như nhau, được tạo môi trường cạnh tranh về năng lực một cách công bằng, bình đẳng. Không được chọn cán bộ theo hình thức "kết bè kết cánh", ai thân thiết thì cất nhắc" - ông Bình mong mỏi.
Bình luận (0)