Trong một hội nghị sơ kết công tác lan tỏa thông tin tích cực và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái cấp quận ở TP HCM, một đại biểu nêu ý kiến được nhiều người tán đồng: Nếu không lan tỏa thì thông tin không thể đến được nhiều người, nếu thực hiện thì chắc chắn có người tiếp nhận; nếu không đấu tranh, phản bác từ việc nhỏ thì những điều sai trái sẽ trở thành bình thường.
Biểu hiện thờ ơ thông tin
Trên thực tế, việc sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông tin tích cực đã được nhiều người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên quan tâm thực hiện nhưng việc đấu tranh, phản bác thì chưa được chú trọng đúng mức.
Cũng tại hội nghị nói trên, mượn câu chuyện cháy chung cư mini ở Hà Nội, đại biểu đó cho rằng nếu cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội đưa thông tin chung cư ấy chỉ được cấp phép xây dựng 6 tầng nhưng thực tế xây đến 9 tầng với dụng ý công kích chính quyền địa phương buông lỏng quản lý hoặc có tiêu cực thì cần chấn chỉnh, nhắc nhở. Nếu có cán bộ, đảng viên vào xem "thả tim", "like" hoặc chia sẻ ý kiến đó thì cần lưu ý, vì tương tác như vậy có nghĩa là ủng hộ ý kiến đó.
Huyện Bình Chánh (TP HCM) tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin thời sự, tình hình trong nước và quốc tế, góp phần hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet, mạng xã hội. Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Hiện tượng này thực sự rất cần quan tâm, vì hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện thờ ơ với các thông tin, quan điểm sai trái, tiêu cực hoặc ngại bày tỏ chính kiến, ngại đấu tranh với các thông tin, quan điểm đó.
Điều này xuất phát từ thực tế là khi đấu tranh, phản bác, chưa biết có kết quả ra sao thì bản thân có khi đã bị "ném đá" tơi bời với đủ loại công kích, có khi từ mạng xã hội kéo ra đời thường, hoặc trang đó bị tấn công, xâm nhập… Hay có người nghĩ rằng việc xấu trong xã hội nhan nhản, đấu tranh cũng không xuể, sức một vài người như "muối bỏ biển", cứ mặc nó, đến lúc nào đó rồi cũng tự tiêu biến...
Nhưng một lý do khác, đáng nói, là ý thức đấu tranh của không ít người còn hạn chế. Họ cho rằng những đấu tranh với hiện tượng đó là việc không liên quan đến mình, không phải trách nhiệm của mình.
Những cách nghĩ đó đều thụ động, tiêu cực, thậm chí rất đáng ngại khi xã hội tồn tại nhiều điều chưa lành mạnh, khi tiêm nhiễm vào những người có tinh thần "chủ bại", "co thủ" thì dễ tác động xấu đến họ, từ đó lây lan đến người khác.
Do đó, từng người, trong điều kiện của mình, cần quan tâm đấu tranh với các thông tin, ý kiến chưa tốt, chưa hay, bằng những cách riêng, bằng tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm.
Đơn cử như từ status về việc xây dựng sai phép kể trên, người đọc có thể "giới thiệu" các thông tin, bài viết về ý kiến chính thức của những người có trách nhiệm, về việc chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức Đảng liên quan của địa phương, việc khởi tố vụ án, tạm giam chủ chung cư, việc khắc phục hậu quả bước đầu…
Thông tin có tính chỉ dẫn
Hiện nay, có hiện tượng người sử dụng mạng xã hội (kể cả cán bộ, đảng viên) "té nước theo mưa" với các thông tin, hiện tượng không lành mạnh, để tỏ ra mình là người có óc phản biện, có tinh thần "đi ngược số đông".
Chẳng hạn, với một thông tin tiêu cực, thay vì quan tâm đưa các thông tin tích cực, các câu chuyện đẹp để "phủ xanh" mạng xã hội, khẳng định bên cạnh mặt chưa tốt vẫn còn rất nhiều điều tốt, thì có người lại đi "khai thác sâu" thông tin tiêu cực với các suy đoán, diễn giải không cần thiết, có khi không có căn cứ, làm câu chuyện bị đẩy ngày càng xa thực tế và bản chất vốn có. Tệ hơn, chính điều đó lây lan nhiều người khác, góp phần hình thành nhận thức không phù hợp với sự việc, thậm chí bị quy sai biệt về bản chất của sự việc đó.
Nhiều người dùng cụm từ "người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm" để nói về việc tương tác hay chia sẻ các thông tin được kiểm chứng, thông tin chính xác, thông tin tích cực... Điều đó đúng nhưng chưa đủ, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, bởi đây là lực lượng phải tiên phong trong việc lan tỏa thông tin tích cực và đấu tranh phản bác các thông tin sai trái.
Vì vậy, có thể dùng cụm từ "người sử dụng mạng xã hội tích cực", với ý nghĩa bao gồm cả việc có trách nhiệm trong chọn lựa thông tin để chia sẻ (không chỉ thông tin chính xác mà còn phải là thông tin hay, có giá trị truyền cảm hứng…), tương tác phù hợp với từng loại thông tin (như thấy thông tin sai thì phải thể hiện bằng các icon, sticker mang ý nghĩa phẫn nộ, chứ không thả tim hoặc bấm like), có hình thức phản ứng thích hợp (như bình luận bằng các thông tin đúng đắn để "nói lại" thông tin chưa đúng đó; chia sẻ các thông tin, bài viết chính thức và có ý nghĩa phản bác…).
Đương nhiên, chúng ta còn có thể dẫn lại thông tin chưa đúng này kèm lời cảnh báo, lưu ý và các thông tin có tính chỉ dẫn đối với người thân của mình, nhất là với người trong cùng tổ chức (cơ quan, chi bộ, đoàn thể…), thay vì để mặc ai xem được thì xem. Quan tâm đến tin bài gốc đó có được người quen, người thân của mình chia sẻ, tương tác không phù hợp hay không, để nhắc nhở, "nói lại" chứ không thờ ơ cho rằng người nào tin thì kệ họ! Trong các trường hợp nghiêm trọng, cần báo cáo với người có thẩm quyền hoặc cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý nghiêm túc, như giáo dục, uốn nắn người chia sẻ thông tin sai trái hoặc đăng thông tin không phù hợp, gỡ bỏ hoặc truy tác giả để có chế tài phù hợp.
Hình thành phản xạ đấu tranh
Chỉ khi chúng ta quan tâm uốn nắn, nhắc nhở, đấu tranh, phản bác từ các thông tin sai trái nhỏ thì mới hình thành một thói quen, một phản xạ đấu tranh, phản bác tích cực đối với các thông tin sai trái nghiêm trọng.
Điều này còn có ý nghĩa chấn chỉnh từ các biểu hiện mang tính "tự diễn biến" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó góp phần tránh phát sinh thành hiện tượng "tự chuyển hóa", bởi đến lúc này thì chỉ có xử lý chứ không thể nhắc nhở, giáo dục thông thường.
Bình luận (0)