Ngày 20-6-2020, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM ban hành Đề án 05-ĐA/TU về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet, mạng xã hội trên địa bàn.
Tận dụng hiệu quả internet
Đề án 05-ĐA/TU nêu: Có cơ quan báo chí còn đưa tin, bài thiếu thận trọng, phản ánh chưa khách quan, có lúc chỉ dựa vào các thông tin trên mạng xã hội mà không kiểm chứng, thẩm định, dẫn đến đưa thông tin không chính xác…; có bài báo đưa tin một chiều, phiến diện về các vấn đề phức tạp, nhạy cảm theo hướng tập trung khai thác các tồn tại, yếu kém...
Thành ủy TP HCM khen thưởng các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo năm 2022.Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Bên cạnh đó, nhận thức về trách nhiệm khi dùng mạng xã hội của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao; có tình trạng cá nhân cán bộ, đảng viên và người dân chia sẻ thông tin xấu, độc, thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội; tham gia cổ xúy, tuyên truyền, quảng bá cho cái xấu, cái sai...
Do đó, Đề án 05-ĐA/TU đưa ra mục tiêu tận dụng có hiệu quả internet, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt; trang bị nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và thực hiện các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả tình trạng thông tin xấu, độc, sai sự thật trên internet, mạng xã hội; xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân TP HCM vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, các cơ quan báo chí chủ lực của TP HCM phải xây dựng chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch… Đến nay, mục tiêu này đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng.
Trong bối cảnh mạng xã hội vẫn là một "trận địa" nóng bỏng với nhiều chiêu trò lừa đảo, chống phá của các phần tử xấu, mỗi người sử dụng mạng xã hội cần thực sự có trách nhiệm; đặc biệt là cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nắm bắt đầy đủ nội dung và thực hiện tốt Đề án 05-ĐA/TU; có trách nhiệm lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên các nền tảng của mình, nhất là trang mạng xã hội cá nhân. Những người có điều kiện có thể tham gia đấu tranh bằng sản phẩm trên trang thông tin điện tử hoặc báo chí.
Cán bộ, đảng viên cần tiếp tục tuyên truyền đến người khác về trách nhiệm trong việc lan tỏa thông tin tích cực và phản bác các thông tin xấu, độc, cũng như kịp thời phản ánh đến người có thẩm quyền, cơ quan chức năng khi phát hiện các trang hoặc thông tin sai trái, xấu, độc, góp phần đấu tranh, gỡ bỏ, làm giảm sự tác động của thông tin đó. Từng người cần tích cực tham gia giải thích, phê phán, đấu tranh với các thông tin xấu, độc; phát hiện, giới thiệu, làm lan tỏa các thông tin tích cực, các gương điển hình tiên tiến trên trang cá nhân của mình…
Thực hiện nghiêm các quy định
Hiện nay, tất cả tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm Quy định 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Hướng dẫn 99-HD/BTGTW ngày 20-3-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về hướng dẫn thực hiện Quy định 85-QĐ/TW; Chỉ thị 23-CT/TU ngày 16-3-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện Quy định 85-QĐ/TW.
Theo đó, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng là phải quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định liên quan việc thiết lập, sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên internet và mạng xã hội; thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử giả mạo...
Cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm các quy định liên quan việc sử dụng internet, mạng xã hội; phải khai báo thông tin chính danh khi thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân. Cán bộ, đảng viên phải kịp thời hủy bỏ các trang thông tin không còn sử dụng; báo cáo đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan trang thông tin điện tử cá nhân đang sử dụng khi có yêu cầu của cấp ủy, cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Mỗi người cần chủ động sử dụng trang thông tin cá nhân để tuyên truyền, lan tỏa thông tin có nguồn gốc chính thống, tích cực; đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Khi phát hiện trang cá nhân có dấu hiệu bất thường, bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, bị lợi dụng cho mục đích xấu… thì phải dừng ngay hoạt động, kịp thời báo cho cấp ủy, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung thông tin mà mình lưu trữ, truyền đưa, cung cấp hoặc tán phát; chủ động đính chính thông tin, gỡ bỏ, ngăn chặn truy cập các bình luận tiêu cực, sai sự thật hoặc gây hiểu lầm; không tham gia bình luận tiêu cực, sai trái tại các trang mà mình tương tác. Không cho mượn, cho thuê, bán, thế chấp trang cá nhân; không mượn, thuê, mua, nhận thế chấp trang của người khác để thực hiện hành vi sai trái…
Nắm bắt các nội dung cốt lõi
Các tổ chức Đảng đang sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới". Do đó, tất cả cán bộ, đảng viên cần tiếp tục nắm bắt các nội dung cốt lõi về nghị quyết này; giới thiệu, lan tỏa các cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện.
Theo điều kiện của mình, có thể đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW tại địa phương, đơn vị; lan tỏa tinh thần đề cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của những thế lực xấu hòng chống phá Đảng, Nhà nước và thành phố, đặc biệt là trên không gian mạng...
Bình luận (0)