Đến với làng nghề gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) trong những ngày đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn chuẩn bị đón Lễ hội Katê 2020, chúng tôi vui mừng trước cảnh xóm làng có nhiều đổi thay. Bên cạnh những công trình, nhà cửa khang trang, điều ấn tượng nhất là những con đường xanh - sạch - đẹp, khác hẳn vài năm trước lầy lội, hôi hám do heo thả rông phá.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Phạm Văn Binh, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, phấn khởi cho biết: "Cả hệ thống chính trị địa phương phải quyết tâm lắm mới có được kết quả hôm nay. Nuôi heo thả rông là tập quán lâu đời của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn và bà con dân tộc Raglai. Vì vậy, để thay đổi tập quán này là cả một chuyện dài đối với chúng tôi".
Tập quán nuôi heo thả rông có từ lâu đời, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống đối với gia đình, cộng đồng dân cư, gây phản cảm cho du khách đến tham quan các làng nghề, lễ hội, đền tháp và ảnh hưởng tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Heo thả rông thường thải phân, bới đất thành vũng nước trên các đường làng, ngõ xóm gây mùi hôi thối, tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe con người.
Với quyết tâm làm thay đổi tập quán này, ngày 18-1-2016, Thường trực Huyện ủy Ninh Phước ban hành Công văn số 348-CV/HU chỉ đạo hệ thống chính quyền và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn và đồng bào Raglai không nuôi heo thả rông trong khu dân cư.
Con đường ở làng gốm Bàu Trúc nay thoáng đãng, sạch sẽ, thu hút du khách
Qua khảo sát, Ninh Phước có 18 thôn, khu phố thuộc các xã Phước Thái, Phước Hữu, Phước Hậu và thị trấn Phước Dân, với tổng cộng 531 hộ đồng bào Chăm và 5 hộ đồng bào Raglai nuôi 834 con heo thả rông. Trong đó, xã Phước Hữu có số hộ nuôi heo thả rông nhiều nhất, với 392 hộ nuôi 637 con; thị trấn Phước Dân có 58 hộ nuôi 62 con.
Chủ trương không nuôi heo thả rông trong khu dân cư của Huyện ủy Ninh Phước là rất thiết thực. Tuy nhiên, đây là cuộc vận động làm thay đổi một tập quán lâu đời của bà con đồng bào Chăm nên gặp không ít khó khăn. Xác định rõ điều này, Huyện ủy Ninh Phước đã chỉ đạo các địa phương thực hiện theo lộ trình, phối hợp nhiều biện pháp đồng bộ, kết hợp tuyên truyền rộng rãi và tuyên truyền cá biệt, kết hợp truyền thông với tuyên truyền trực quan. Chú trọng công tác kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Những ai chây ì, kéo dài việc nuôi heo thả rông, các địa phương sẽ áp theo hương ước, quy ước làng xã hoặc xử lý hành chính về môi trường, thông báo trên hệ thống loa của xã.
Chuyển biến tích cực
Với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", Huyện ủy Ninh Phước chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc họp triển khai chủ trương. Trước hết là tập trung phân loại đối tượng nuôi heo thả rông. Tiếp đó, vận động các hộ là cán bộ, đảng viên, viên chức ký cam kết không nuôi heo thả rông trước. Thường trực Huyện ủy giao trách nhiệm cho lãnh đạo hội, đoàn thể các cấp vào cuộc tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên ký cam kết không nuôi heo thả rông.
Ủy ban MTTQ huyện phối hợp với các chức sắc Chăm Bà-la-môn, Ban Phong tục, người có uy tín trong cộng đồng vận động bà con tộc họ. Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp tài liệu tuyên truyền trên các hệ thống phát thanh thôn, khu phố về chủ trương không nuôi heo thả rông. UBND huyện tác động các tổ chức tín dụng cho các hộ vay vốn xây dựng chuồng trại nuôi heo...
Cùng với biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc không nuôi heo thả rông, các địa phương cũng kiên quyết xử phạt hành chính những trường hợp không chấp hành hoặc tái phạm. Với những biện pháp đồng bộ và quyết liệt như trên, đến nay, 100% hộ nuôi heo ở các làng Chăm và Raglai trên địa bàn huyện Ninh Phước không còn nuôi heo thả rông nữa.
Ông Trượng Thống, Bí thư Chi bộ khu phố 7, cho biết trước đây ở làng gốm Bàu Trúc có 34 hộ nuôi 70 con heo nái thả rông gây ô nhiễm nặng đến môi trường và mỹ quan làng nghề. Ngay sau khi có chủ trương của Huyện ủy và chỉ đạo của Đảng ủy thị trấn Phước Dân, chi bộ họp đảng viên thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo ban quản lý khu phố và các đoàn thể vận động người dân không nuôi heo thả rông trong khu dân cư. Chi bộ tranh thủ các vị chức sắc Bà-la-môn và những người có uy tín tham gia tuyên truyền tác hại của tập quán này và vận động bà con ký cam kết không nuôi heo thả rông trong khu dân cư.
Đến nay, Bàu Trúc có khoảng 200 hộ nuôi heo thì 100% đều nuôi nhốt. Làng nghề gốm truyền thống ngày càng xanh - sạch - đẹp, để lại ấn tượng đẹp đối với du khách đến tham quan. Bà Quảng Thị Nga, một trong những người tiêu biểu thực hiện không nuôi heo thả rông ở làng nghề gốm Bàu Trúc, bộc bạch: "Năm 2016, khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, tôi thấy nuôi heo thả rông không tốt cho gia đình và cộng đồng. Vì vậy, gia đình đầu tư 5 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi heo nái giống. Nhờ nuôi heo nhốt mà nhà cửa, môi trường xung quanh luôn sạch sẽ. Hơn nữa, gia đình còn có phân để bón cho cây trồng".
Quyết tâm và kiên trì
Dẫn chúng tôi đến thăm khu trưng bày nghề gốm truyền thống, ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, nhìn nhận: "Bàu Trúc là làng nghề truyền thống, hằng ngày khách đến tham quan, trải nghiệm rất nhiều. Do đó, địa phương rất quyết tâm thực hiện chủ trương không nuôi heo thả rông trong khu dân cư. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, giải thích, khu phố thường xuyên kiểm tra, theo dõi lùng bắt heo thả rông, nhắc nhở bà con không được thả heo ra đường".
Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, đánh giá: "Đến nay, hầu hết người dân trên địa bàn đều tự giác làm chuồng nuôi heo nhốt, không còn thả ra đường. Chúng tôi tiếp tục duy trì chủ trương không nuôi heo thả rông nhằm bảo đảm cho môi trường dân cư luôn sạch, đẹp".
Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Binh cho rằng trong cuộc vận động này, vai trò của cấp ủy Đảng vô cùng quan trọng. Nếu không thì chắc chắn không thành công. Bởi lẽ, chỉ có tổ chức Đảng mới huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cán bộ, đảng viên là người gương mẫu đi đầu thì nhân dân mới học theo.
Quyết liệt sẽ thành công
"Bí quyết thành công chính là sự lãnh đạo sâu sát và quyết tâm, kiên trì vận động. Một chủ trương ban hành ra nếu không quyết tâm, không quyết liệt thực hiện thì không thể thành công" - ông Phạm Văn Binh nói và cho biết thời gian tới, Huyện ủy Ninh Phước tiếp tục thực hiện chủ trương vận động bà con không nuôi gia súc trong khuôn viên nhà, khu dân cư và đào hầm rút nước thải trong nhà, không đổ nước thải ra đường. Đây cũng là thói quen lâu đời của đồng bào Chăm, nay vẫn chưa bỏ được.
MAI LỊCH, Đảng viên, cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng:
Đừng quên "thuốc đắng dã tật"
Đúc kết từ thực tiễn sinh động của cuộc sống mà trong dân gian có câu tục ngữ "Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng". Điều này có ý nghĩa khẳng định cái đúng, cái đẹp sẽ dẹp được cái sai, cái xấu. Ai tự trang bị được cho mình cái đúng thực chất, cái đẹp thực chất thì mới đủ "năng lượng" để "tuyên chiến" với cái sai, cái xấu. Ngược lại, không có đủ các tố chất cần thiết để "xua đuổi" cái xấu ngay trong bản thân mình thì chỉ nên "dựa cột mà nghe".
Hiện nay, nhiều người không dám nhìn thẳng, nói thật mà nói vòng vo, quanh co, nói theo kiểu "được chăng hay chớ". Kể cả trong sinh hoạt Đảng, nhiều đảng viên thường chỉ ngồi im lặng nhưng ra khỏi cuộc họp thì thì thầm to nhỏ. Cuối cùng là đi nói sau lưng người khác, mà người chính trực gọi đó là "bệnh" nói sau lưng. Đây là một trong những tác nhân gây ra nhiều hệ lụy trong các mối quan hệ cộng đồng. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", ở khu vực nào có nhiều người "mắc bệnh" nói sau lưng thì sẽ khó thành công. Chỗ nào trong hệ thống chính trị và bộ máy công quyền xảy ra việc này thì lại càng nguy hiểm, vì nó có thể thành "dịch" nghi ngờ, đố kỵ, hiềm khích nhau.
Bệnh này cũng hay xuất hiện ngay trước các kỳ đại hội, bầu bán, gây ra nhiều hệ lụy cho công tác nhân sự.
Cân phân mà nói, khi đã tới mức "thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng" thì tất nhiên việc đụng chạm đến lòng tự trọng, tự ái của người khác là khó tránh khỏi, kể cả khi nói nhẹ nhàng, thấu đáo. Cho nên, thường thì chỉ có những người khẳng khái mới "nói thẳng nói thật". Song, cần phải thấy là "mất lòng trước, được lòng sau", đó cũng là cách bảo vệ ý tưởng của những người dám mạnh dạn đấu tranh với cái sai, cái xấu để góp phần xây dựng xã hội bình an, tươi đẹp. Nhưng điều này thì không phải ai cũng hiểu.
Bình luận (0)