Đó là kết quả tất yếu của việc đồng tâm hiệp lực giữa ý Đảng lòng dân, đặc biệt là quán triệt sâu sắc quan điểm về dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác dân vận chính là việc vận động quần chúng tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, khi nước ta tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì công tác vận động quần chúng không những tiếp tục cần làm tốt mà còn đòi hỏi phải đổi mới cả về nội dung và phương pháp tổ chức. Đây là yêu cầu khách quan khi nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào toàn cầu, chấp nhận đương đầu với những khó khăn, thách thức; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ nhưng vẫn phải giữ vững tính độc lập, tự chủ của đất nước.
Nhờ công tác dân vận khéo của Công an xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân ở đây đã đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh địa phương .Ảnh: QUANG TÁM
Việc dân vận phải như thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay? Làm sao khai thác cho được lợi thế của thời đại mới, tận dụng được thời cơ, vận hội mới? Đó là những điều cần suy ngẫm thấu đáo để kịp thời triển khai, nhằm sớm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Muốn vậy, cần phải hiểu sâu sắc, thực hành triệt để quan điểm của Bác Hồ về các yếu tố cơ bản cần có của những người phụ trách công tác dân vận, đó là: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm.
Bác Hồ chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức… đều phải phụ trách dân vận". Như vậy, tất cả cán bộ nằm trong bộ máy của hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm làm công tác vận động quần chúng.
Muốn làm tốt công tác dân vận thì dứt khoát phải thực thi cho đúng, cho đầy đủ phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiển tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Thời gian qua, nhiều địa phương nhờ làm tốt phương châm nêu trên nên đã triển khai thành công nhiều công việc quan trọng như: Mở rộng đường, hiến đất làm công trình công ích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ dân sinh theo tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Đó chính là kết quả của việc vận động quần chúng đúng theo quan điểm Hồ Chí Minh.
Thử hỏi, muốn mở rộng một con đường trong nội bộ khu dân cư mà ở đó gia đình cán bộ không tự giác tham gia theo sự vận động của chính quyền thì lấy gì làm chỗ dựa tinh thần để đốc thúc quần chúng hăng hái tham gia? Hay gia đình cán bộ có người đúng độ tuổi mà tìm mọi cách trốn tránh thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự thì làm sao việc tuyên truyền động viên trong công tác tuyển quân được thuận lợi để địa phương hoàn thành chỉ tiêu hằng năm theo quy định?
Như vậy, có thể hiểu mọi sự tuyên truyền sẽ khó mang lại hiệu quả nếu cán bộ không nêu gương làm tốt công tác dân vận, trước hết là đối với chính gia đình, dòng tộc mình.
Bình luận (0)