Phát biểu tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2020 và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2021 do UBND TP HCM tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Một công nhân vệ sinh đường phố mà làm đúng, làm tốt công việc được giao thì vẫn xứng đáng được khen thưởng. Ngược lại, một cán bộ lãnh đạo không làm đúng, không làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình thì chúng ta chê. Đó là chuyện bình thường, chứ không phải chỉ lãnh đạo mới được khen".
Luôn hướng về cơ sở
Vấn đề Bí thư Thành ủy đề cập đã được TP thực hiện nhiều năm qua khi công tác khen thưởng luôn hướng về cơ sở, về người lao động trực tiếp. Điều này được thể hiện rõ tại Đại hội Thi đua yêu nước TP HCM lần thứ VII (giai đoạn 2015-2020). Tại đại hội này, TP HCM đã khen thưởng 85 tập thể, 102 cá nhân. Ông Hoàng Nghĩa Huỳnh, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP HCM, cho biết tỉ lệ người lao động trực tiếp được tuyên dương trong đợt này đạt gần 40%, trong khi những kỳ đại hội trước chỉ hơn 20%.
Nhìn những số liệu TP khen thưởng trong năm 2020 càng thấy rõ quan điểm này. UBND TP đã làm 33 tờ trình đề nghị khen thưởng cấp nhà nước cho 429 trường hợp. Kết quả, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành 20 quyết định khen thưởng cho 141 tập thể, cá nhân. Tỉ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp là 20,7%. Ở cấp TP, UBND TP ban hành 711 quyết định khen thưởng. Tỉ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp là 61%.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong (bìa phải) trao cờ cho đơn vị đạt thành tích cao trong phong trào thi đua năm 2020 của TP HCM
Đánh giá về công tác khen thưởng năm 2020, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết bảo đảm công khai, đúng đối tượng, đúng thành tích. Tỉ lệ khen thưởng cấp TP đối với tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp được nâng cao, góp phần khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia những phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo ông Võ Văn Hoan, UBND TP thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng đến việc bảo đảm tỉ lệ cân xứng giữa các đối tượng khen thưởng. Trong đó, chú trọng tỉ lệ khen thưởng hợp lý cho cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động trực tiếp nhằm động viên, khuyến khích và nâng cao tinh thần tự giác của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong tham gia phong trào thi đua và công tác khen thưởng của TP. Hằng năm, tỉ lệ khen cho nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp (cá nhân không hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo quản lý) đều tăng so với năm trước.
Khơi dậy tính sáng tạo, phát huy trí tuệ, năng lực
Không chỉ cấp TP, ở các tổ chức đoàn thể, quận - huyện, công tác khen thưởng cũng đang được thực hiện hướng về người lao động trực tiếp.
Đơn cử, tại LĐLĐ TP HCM, phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016-2020 đã có nhiều thành tích nổi bật, nhất là công tác khen thưởng luôn hướng về cơ sở, đã tạo ra động lực thi đua làm việc, cống hiến trong công nhân, người lao động. Trong 5 năm qua, LĐLĐ TP đã xét và trao tặng 1.325 Cờ thi đua xuất sắc toàn diện cho Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở; trao tặng 4.150 bằng khen tập thể, 5.461 bằng khen cá nhân. Đã có 6 cán bộ chuyên trách Công đoàn và 4 công nhân trực tiếp sản xuất được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam; được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Huân chương Lao động các hạng.
Trong khi đó, UBND quận 1 xác định công tác khen thưởng có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ chính trị, có tác dụng đòn bẩy, khơi dậy tính sáng tạo, phát huy trí tuệ, năng lực, tính tích cực của mỗi cá nhân và tập thể. Vì vậy, Quận ủy - UBND quận 1 luôn quan tâm đến công tác khen thưởng thường xuyên, đặc biệt là chú trọng khen thưởng thành tích đột xuất, chuyên đề, nâng cao tỉ lệ khen thưởng tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp.
Trong năm 2020, Chủ tịch UBND quận 1 đã công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cho 851 cá nhân và 619 Lao động tiên tiến, tặng 3.229 giấy khen cho 983 tập thể và 2.246 cá nhân.
Khen thưởng cấp dưới nhiều hơn cấp trên
Nói về công tác thi đua - khen thưởng của TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết từ quý III/2019, TP HCM đã đổi mới phương pháp đánh giá thi đua, trong đó không quá 50% số lượng lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để chi thu nhập tăng thêm. Đây là một cách làm mới, chưa có tiền lệ, khẳng định quan điểm của TP HCM là luôn đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cấp dưới nhiều hơn cấp trên.
Ngoài ra, đối tượng khen thưởng cũng được mở rộng đến cán bộ, công chức cũng như nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất hay khen thưởng trực tiếp người dân nhằm cổ vũ, khích lệ sáng tạo trong nhân dân.
Đảng viên phải tiên phong trong phòng chống dịch
Chỉ trong vòng hơn một tuần qua, liên tiếp những ca dịch Covid-19 được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sự trở lại lần này của dịch Covid-19 đã làm nhiều người lo lắng vì các chủng virus mới có độc lực cao hơn và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Vì thế, ngoài những biện pháp y tế đã được triển khai quyết liệt, đặc biệt là bước đầu đưa vắc-xin vào tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên, thì việc chấp hành nghiêm túc các yêu cầu về phòng chống dịch cần được nâng cao hơn nữa.
Điều đáng nói là trong việc phòng chống dịch vừa qua, một số cán bộ, đảng viên đã không gương mẫu trong việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên hoặc của ngành y tế. Điều đó thấy rõ qua việc không tích cực triển khai công tác phòng chống dịch cho cơ sở, đơn vị mình phụ trách dẫn đến bị xử lý kỷ luật. Trong số cán bộ bị xử lý kỷ luật có cả những người là lãnh đạo cơ sở y tế, thậm chí là phó giám đốc sở y tế tỉnh. Có một số đảng viên là cán bộ, công chức nhưng không gương mẫu trong việc khai báo y tế, trong việc giãn cách hay thực hiện các biện pháp 5K, đến khi bị phát hiện, xử lý thì có hành vi coi thường lực lượng phòng chống dịch.
Điều này đặt ra cho các tổ chức cơ sở Đảng phải tăng cường công tác giáo dục đảng viên. Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, cần thiết phải đưa công tác phòng chống dịch Covid-19 vào sinh hoạt, làm chỉ tiêu thi đua của chi bộ Đảng ở cơ sở. Thông qua đó, các chi bộ phải nhắc nhở, làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên của mình tham gia như thế nào trong việc phòng chống dịch bệnh. Đảng viên thì phải tiên phong, khi đảng viên gương mẫu thì quần chúng sẽ noi theo.
Công tác tư tưởng được chú trọng thì sẽ tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù làm công việc gì, bất kể lớn hay nhỏ, khó hay dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công; nhưng nếu đồng tâm hiệp lực thì có thể làm được. Muốn như vậy, mọi người phải hiểu được vì sao làm và làm như thế nào. Ý thức tư tưởng là yếu tố đầu tiên tạo nên quyết tâm của người cách mạng, là cơ sở để có hành động cách mạng đúng đắn. Người coi sự thống nhất về tư tưởng và hành động là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng. Ngược lại, nếu tư tưởng và hành động không thống nhất, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thì không thể lãnh đạo được nhân dân, không làm được cách mạng.
Trần Văn Bình (đảng viên phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình)
Bình luận (0)