Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 kết luận "Về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật", dư luận đã bày tỏ sự đồng tình cao.
Kỳ vọng chuyển biến mạnh
Theo kết luận, việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm...
Kết luận nêu rõ: Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Chủ trương này đã được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh vấn đề từ chức hay văn hóa từ chức dù đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn là việc "xưa nay hiếm" ở nước ta. Đến nay, chưa có trường hợp cán bộ nào vi phạm kỷ luật, uy tín giảm sút mà tự nguyện xin từ chức. Điều đó khiến dư luận băn khoăn về việc tự nhận ra sai lầm, khuyết điểm của các cán bộ.
Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Quang Hải phát biểu tại Hội thảo về tăng cường kỷ cương và trách nhiệm người đứng đầu địa phương, do Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức ngày 30-5-2022. Ảnh: TTXVN
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh chủ trương này, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng đây là một chủ trương rất quan trọng, kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong "bình thường hóa" việc từ chức.
Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, việc khuyến khích cán bộ chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín thì chúng ta cũng đã triển khai nhưng trên thực tế hiếm có trường hợp nào người đứng đầu các cơ quan chủ động từ chức. Việc từ chức lâu nay "hiếm có" một phần do tâm lý, ngoài ra còn lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, gia đình, người thân.
Ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh kết luận nêu rõ "cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức". Như vậy, khi soi chiếu vào điều này, cán bộ thuộc diện bị xử lý kỷ luật đó cần có thái độ chủ động xin từ chức, không nên để bị "gọi tên". Hiện nay, thông tin xử lý kỷ luật cán bộ rất công khai, minh bạch, báo chí đưa tin đầy đủ, nên cán bộ nào bị xử lý kỷ luật thì dư luận đều nắm rõ. Do đó, có chủ động xin từ chức hay không, thái độ như thế nào, người dân đều biết.
Hình thành văn hóa từ chức
Cán bộ khi đã bị kỷ luật, uy tín giảm sút thì quan điểm của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, là nên chủ động xin từ chức, không nên "tham quyền cố vị". Trước việc bị kỷ luật, tự thân cán bộ đó phải có lòng tự trọng, biết liêm sỉ để có hành động phù hợp với vị trí mình đang làm việc. Khi bị kỷ luật thì uy tín giảm sút, vậy lãnh đạo, điều hành công việc trong cơ quan sẽ ra sao. Kỷ luật là do vi phạm, có khuyết điểm, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo, nên cần chủ động xin từ chức.
Từ kết luận này của Bộ Chính trị, ông Phạm Văn Hòa cho rằng cần xây dựng văn hóa từ chức. Việc từ chức khi không còn đủ uy tín cũng là thực hiện trách nhiệm nêu gương. Cán bộ cần vượt qua các vấn đề về tâm lý, xem việc từ chức là hoàn toàn bình thường. Cùng với đó là vượt qua vấn đề về lợi ích để từ bỏ vị trí khi không còn đủ uy tín.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết ngày càng có nhiều văn bản, quy định về vấn đề từ chức, tuy nhiên việc thực thi mới là quan trọng, đáng quan tâm hiện nay.
Theo ông Ứng, văn hóa từ chức đã được nhắc đến nhiều nhưng xây dựng là không dễ vì phải xuất phát từ nhận thức của đội ngũ cán bộ. Nếu chúng ta vẫn xem từ chức là "bất thường" thì rất khó để khuyến khích cán bộ từ chức. "Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật xin từ chức là bước khởi đầu của quá trình xây dựng văn hóa từ chức. Văn hóa này đề cao sự tự trọng và liêm sỉ của người cán bộ" - ông Ứng nói.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh thông báo của Bộ Chính trị nêu rõ là khuyến khích từ chức nhằm xóa bỏ những nhận thức nặng nề về việc từ chức. Công tác cán bộ thì có nguyên tắc "có vào, có ra, có lên, có xuống", như vậy việc từ chức là bình thường, cán bộ này rời vị trí thì có người khác xứng đáng hơn đảm đương. Công tác tổ chức cán bộ cũng cần công khai, minh bạch, khéo léo để bản thân cán bộ xin từ chức cảm thấy nhẹ nhàng khi đưa ra quyết định đó. Chức vụ sau khi được giao, cán bộ đó nếu thấy không đủ khả năng đảm đương thì xin từ chức là bình thường.
"Nếu cán bộ có suy nghĩ, nhận thức như vậy thì sẽ dần hình thành được văn hóa từ chức nhưng cần có thời gian để đạt được điều đó" - ông Phúc nêu.
Bố trí công tác cho cán bộ sau từ chức?
Theo Thông báo số 20-TB/TW, cán bộ sau khi bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế, xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật. Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu những người này khắc phục tốt sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Bình luận (0)