Từ chức luôn là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi đến khi nào chúng ta sẽ có văn hóa từ chức. Từ chức liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ, quyền lực và lợi ích, cũng vì thế mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng cho văn hóa từ chức ở Việt Nam.
Chuyện hiếm
Giữa năm 2015, việc ông Nguyễn Sự, thời điểm đó giữ chức Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), xin từ chức đã gây xôn xao dư luận. Ông Nguyễn Sự là một trường hợp hiếm hoi có tới 2 lần xin từ chức. Trao đổi với báo chí thời điểm đó, ông Nguyễn Sự cho biết năm 2013, ông từng gửi đơn xin từ chức nhưng không được Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý. Ông Nguyễn Sự xin nghỉ trước 2 năm với quan niệm từ chức để lớp trẻ phát triển, bởi chức vụ không phải gia tài, điền sản của riêng ai.
Nhắc đến trường hợp ông Nguyễn Sự để thấy rằng ở nhiều quốc gia, việc từ chức được xem là bình thường thì tại Việt Nam, lãnh đạo một cơ quan nào đó xin từ chức là việc khá xa lạ và hiếm hoi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-12, ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, cũng nhìn nhận chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường. Cầu bị sập, tàu hỏa gặp tai nạn thì "tư lệnh" ngành giao thông vận tải, các quan chức ngành đường sắt ở Hàn Quốc, Ấn Độ từ chức. Hay trường hợp Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Masahiro Imamura xin từ chức vì phát ngôn "lỡ lời". "Lâu nay chúng ta khuyến khích cán bộ chủ động từ chức khi thấy mình không đủ điều kiện, năng lực và uy tín. Nhưng trên thực tế, nhiều vụ việc báo chí phản ánh, dư luận bức xúc nhưng người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không có động thái từ chức" - ông Sơn nêu.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng việc từ chức là hiếm thấy ở nước ta, dù đây không phải là vấn đề mới mà đã được Đảng ta đề cập từ nhiều nhiệm kỳ trước và được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Đảng, quy định của Bộ Chính trị. "Rất hiếm cán bộ từ chức do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về quyền lợi, danh dự, ảnh hưởng đến gia đình, người thân…" - ông Dĩnh nói.
Mới đây, vấn đề từ chức tiếp tục được đề cập trong Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định 41 sẽ thay thế Quy định số 260 ngày 2-10-2009, trong đó xác định rõ những căn cứ và quy trình để xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Về từ chức, Quy định 41 đưa ra 4 căn cứ, gồm: do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Khi có việc riêng có thể ảnh hưởng đến công tác, ông Nguyễn Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam - đã từ chứcẢnh: TRẦN THƯỜNG
Cơ quan chuyên môn sẽ vào cuộc
Tại Quy định 41, Bộ Chính trị bổ sung quy định về việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tùy tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức. Bên cạnh đó, quy định mới cũng cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Quy định 41 của Bộ Chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc chỉnh đốn Đảng, đồng thời sẽ có những chuyển biến rõ rệt về vấn đề từ chức. Quy định đã rõ ràng như vậy, nếu cán bộ không có đủ uy tín hoặc có trên 50% phiếu tín nhiệm thấp mà không sẵn sàng từ chức thì cơ quan chuyên môn sẽ vào cuộc. Với cơ sở đó, từ chức sẽ không còn nặng nề trong tâm lý cán bộ như trước, đó cũng là cơ sở để dần hình thành văn hóa từ chức.
Ông Diệp Văn Sơn cũng nhấn mạnh việc từ chức khi tự thấy mình không đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác là một sự trung thực, dũng cảm. "Mong rằng nó trở thành chuyện bình thường và cần thiết diễn ra ở các cấp chính quyền. Việc từ chức trong khía cạnh nào đó cũng nói lên một điều là đương sự thấy được trách nhiệm cá nhân trước những bất cập, hạn chế, thậm chí là không thành công của một chủ trương chính sách" - ông Diệp Văn Sơn nói và cho rằng từ chức phải được xem là chuyện cần thiết, bình thường, một thứ "văn hóa" trong hoạt động công vụ.
Ở cấp độ địa phương, ngày 1-12 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; không lợi dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.
Nâng cao trách nhiệm nêu gương
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng có tình trạng cán bộ có khuyết điểm, vi phạm nhưng vẫn "bình chân như vại", mắt không nghe, tai không thấy những điều dư luận xôn xao về họ.
Một số trường hợp chỉ bị điều chuyển công tác, trong khi bản thân cán bộ đó không có bất cứ động thái nào về việc từ chức, dù chúng ta đã có quy định về trách nhiệm nêu gương. Cụ thể, tại Quy định 08-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, quy định cán bộ, đảng viên chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, có khuyết điểm, vi phạm, dù đã bị kỷ luật nhưng vẫn cố giữ một vị trí nào đó thì không thể coi là gương mẫu được.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương):
Dám làm, dám chịu trách nhiệm
Nếu cán bộ thấy bản thân hạn chế năng lực, giảm sút về uy tín thì nên từ chức, Quy định 41 của Bộ Chính trị đã nêu rõ điều này. Về công tác cán bộ, Đảng luôn xác định "có lên - có xuống, có vào - có ra", nhưng không phải cán bộ nào cũng nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Cán bộ vẫn cảm thấy nặng nề khi từ chức, rời khỏi cương vị lãnh đạo.
Chính vì vậy, chúng ta phải tăng cường, khuyến khích việc từ chức để cán bộ thấy rằng khi không còn đủ uy tín, năng lực thì từ chức là hoàn toàn bình thường. Đảng sẽ tạo điều kiện cho cán bộ từ chức để bảo đảm linh hoạt hơn trong quá trình giải quyết đối với cán bộ. Để cán bộ dám từ chức, cần khắc phục những bất cập về căn bệnh sợ trách nhiệm, vốn tồn tại đã lâu. Nếu cán bộ dám nhận trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm thì việc từ chức sẽ không quá khó.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Cần một quá trình
Theo tôi, văn hóa từ chức là một nét đẹp. Để xây dựng được văn hóa từ chức cần cả một quá trình, thay đổi nhận thức cho cán bộ, cộng đồng và xã hội. Để xây dựng được văn hóa từ chức thì khi người cán bộ thấy không thể đảm đương được nhiệm vụ tổ chức giao, hoặc có một số lý do cá nhân nào đó, họ xin từ chức và xem việc đó là hoàn toàn bình thường, nhẹ nhàng, không có yếu tố ép buộc. Tôi cho rằng khi từ chức đã trở thành văn hóa, trong một số trường hợp, người dân sẽ tiếc nuối cho vị cán bộ xin từ chức. Ở một số nước đã có quan chức xin từ chức nhưng sau đó lại được tín nhiệm để bầu vào các vị trí lãnh đạo.
Chúng ta cũng cần phân biệt rõ giữa hai trường hợp từ chức. Một là chủ động xin từ chức khi tự cảm thấy không đảm đương được nhiệm vụ tổ chức giao, hoặc vì lý do sức khỏe, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ. Hai là xin từ chức khi khuyết điểm, vi phạm bị lộ. Không phải trường hợp từ chức nào cũng được xem là văn hóa từ chức.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)