Tranh thủ giờ giải lao, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP HCM Mai Hải Yến lấy điện thoại ra và mời gọi bạn cùng lớp vào fanpage "Sức trẻ HCA" tham gia mini game "Hành trình thanh niên". Nhiều sinh viên khác cũng hưởng ứng bằng cách để lại câu trả lời trong phần bình luận.
Phản bác nội dung xấu
Hải Yến cho biết trang "Sức trẻ HCA" được Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Học viện Cán bộ TP HCM lập ra với mục đích lan tỏa những thông tin tích cực lên không gian mạng. Để chúng tôi hiểu rõ hơn, cô tiếp tục lướt đến các bài khác trên trang này.
Sinh viên Học viện Cán bộ TP HCM lan tỏa những thông tin tích cực lên không gian mạng
Hải Yến dừng lại ở bài viết với tiêu đề "Sinh viên làm mô hình chẩn đoán bệnh Parkinson bằng điện não đồ" để chúng tôi cùng đọc. Nội dung bài viết xoay quanh chuyện nữ sinh viên Nguyễn Thị Như Quỳnh (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM) đã xây dựng mô hình trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Parkinson. Một bài viết khác với tiêu đề "Nữ sinh 10X được kết nạp Đảng khi học lớp 12, giỏi ngoại ngữ, đam mê võ thuật" cũng nhận được nhiều lượt yêu thích.
Theo Hải Yến, việc nhiều thông tin tích cực lan tỏa trên không gian mạng sẽ giúp "dập" lại những quan điểm sai trái, thù địch đang được lan truyền. "Nếu tương tác, phản hồi những thông tin xấu, độc, chúng ta sẽ vô tình làm cho những thông tin này được lan truyền nhiều hơn. Thay vào đó, chúng tôi chọn cách chia sẻ những điều đúng, tích cực và những chuyện đẹp để phản bác lại các nội dung xấu, độc" - cô giải thích.
Gần gũi, dễ tiếp cận
Thực tế cho thấy thông tin tích cực thường kén người xem hơn so với các thông tin mang tính giật gân. Song, điều này lại được hóa giải bởi sự sáng tạo của đội ngũ quản trị viên trang "Điều Nhỏ Xíu Xiu" thuộc hệ thống SuZu Studio - chuyên về mỹ thuật, truyện tranh, phim hoạt hình, sản xuất âm nhạc và multimedia; thành lập từ năm 2019.
Điều đặc biệt là trang này truyền tải những câu chuyện đẹp qua các sản phẩm hoạt hình. Từ đó, câu chuyện trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn. Sức hút của "Điều Nhỏ Xíu Xiu" đã được chứng minh khi đến nay, trang đã thu hút được hơn 1,2 triệu người theo dõi.
Chị Đào Nguyên Hạnh, quản lý "Điều Nhỏ Xíu Xiu", bày tỏ: "Trang này được thành lập với mục tiêu lan tỏa những điều nhỏ bé nhưng tích cực, giúp người xem được tiếp thêm năng lượng, có thêm niềm tin vào bản thân và cuộc sống, nhất là trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn như hiện nay. "Điều Nhỏ Xíu Xiu" mong người xem có những giây phút được thả lỏng, thư giãn và… được yêu. Bởi lẽ, chúng tôi tin rằng cuộc sống tốt đẹp nhất là khi ta bắt đầu nhận thấy và trân trọng những điều nhỏ bé".
Chẳng hạn, những câu chuyện về vận động viên Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32, anh Minh Râu bán rau, rapper Đen Vâu với MV "Nấu ăn cho em" nhằm quyên góp tiền giúp đỡ trẻ vùng cao hay anh CSGT dùng xe đặc chủng đưa thí sinh đến điểm thi đúng giờ… được "Điều Nhỏ Xíu Xiu" đề cập rất thu hút người xem.
Nâng cao kiến thức, trình độ lý luận
TS - đạo diễn Hoàng Duẩn, Trường ĐH Văn hóa TP HCM, phân tích: "Hiện nay, hầu như các cơ quan, đoàn thể đều có trang mạng xã hội riêng. Thông tin tích cực đăng lên trang mạng xã hội cá nhân là điều đáng quý, song nếu đăng lên trang của cơ quan, đoàn thể thì lan tỏa được nhiều hơn, vì các trang này mang tính cộng đồng cao. Như vậy, những bài học nhân nghĩa, thông điệp nhân văn cũng được nhân rộng nhanh hơn".
Theo ThS Huỳnh Ngô Tịnh, Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, hiện nay, người dân, nhất là lớp trẻ, luôn phải tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau. Nếu người dùng mạng xã hội không có kỹ năng chọn lọc thông tin thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chính họ.
"Khi tiếp cận thông tin tích cực, bản thân mỗi người sẽ có tinh thần lạc quan, có niềm tin yêu vào cuộc sống, vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính điều này giúp cho các bạn trẻ có những bước đi vững chắc trong cuộc sống" - ThS Huỳnh Ngô Tịnh nhìn nhận.
ThS Huỳnh Ngô Tịnh cho biết Nghị quyết 35-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị đã nêu rõ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gồm 2 bước quan trọng: Xây và chống. Việc lan tỏa thông tin tích cực lên không gian mạng là một trong những phương pháp để "xây", bởi giúp người xem hiểu được bản chất vấn đề. Chính bước "xây" này sẽ tạo nền tảng lý luận vững chắc. Khi đó, bước "chống" sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.
Để làm tốt việc lan truyền thông tin tích cực lên không gian mạng, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, ThS Huỳnh Ngô Tịnh cho rằng người trẻ cần thay đổi thói quen, thay đổi ý thức và cần được trang bị lý luận. Cụ thể, cần có thói quen chọn lọc, thẩm định, xác minh thông tin; cần ý thức được thế nào là cái đẹp - xấu, là điều tích cực - tiêu cực; từ đó mới có cơ sở để chia sẻ thông tin mà mình tiếp cận. Bên cạnh đó, phải thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức và trình độ về lý luận. Điều này sẽ giúp cho người trẻ có thể đánh giá được đâu là thông tin tích cực cần lan tỏa.
Nhiều người theo dõi, tương tác
Từ năm 2018, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội, với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu". Hưởng ứng cuộc vận động này, Thành Đoàn TP HCM đã đưa 2 trang "Tuổi trẻ TP HCM học tập và làm theo lời Bác" và "Sinh viên TP HCM - Những câu chuyện đẹp" vào hoạt động.
Đến nay, 2 trang này đã thu hút hơn 10.000 người theo dõi. Nhiều tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện đẹp trong đời sống hằng ngày được 2 trang này đăng tải, nhận được nhiều lượt tương tác của người dùng mạng xã hội.
Bình luận (0)