Tổ chức các buổi sinh hoạt, cuộc thi lý luận chính trị... là những hoạt động được các đơn vị triển khai nhằm giúp công nhân, thanh niên biết cách tự bảo vệ mình trên không gian ảo
Tháng 5-2023, gần 1.000 công nhân (CN), thanh niên quận Bình Tân, TP HCM mãn nhãn khi được xem vở kịch "Cuộc chiến mạng xã hội" từ chương trình "Những câu chuyện không ngờ" do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP HCM (thuộc Thành Đoàn thành phố) tổ chức. Vở kịch mang đến cho người xem những góc nhìn khác nhau, tác hại của việc lạm dụng mạng xã hội và sử dụng mạng xã hội chưa đúng cách.
Kiến thức cần thiết
Sau khi xem kịch, CN còn được nghe luật sư Nguyễn Thái Hưng - Công ty Luật Nguyễn Đoàn, thành viên CLB chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP HCM - giúp người xem hiểu thêm về các luật cũng như sự nghiêm trọng nếu người sử dụng mạng xã hội không rõ các điều của Luật An ninh mạng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung - Trưởng Phòng Tư vấn Đào tạo, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP HCM - cho hay định kỳ mỗi tháng một lần, trung tâm sẽ tổ chức chương trình "Những câu chuyện không ngờ" cho CN, thanh niên của thành phố. Chủ đề các câu chuyện xoay quanh những vấn đề như: "Cảnh báo lừa đảo việc làm online", "Cuộc chiến mạng xã hội", "Khủng bố mạng xã hội, đừng lo"…
Đầu chương trình, CN, thanh niên sẽ được xem một vở kịch do các thành viên trung tâm đóng khoảng 10-15 phút. Sau đó, CN, thanh niên được nghe chuyên gia, luật sư trò chuyện khoảng 20 phút và nhận quà khi tham gia trả lời câu hỏi.
"Đặc biệt, các vở kịch của "Những câu chuyện không ngờ" được chúng tôi biên tập thành các clip ngắn đăng trên TikTok, thu hút rất nhiều CN, thanh niên xem và chia sẻ. Mục đích của chương trình nhằm giúp CN, thanh niên nhận diện rõ các thông tin xấu, độc và biết cách tự bảo vệ mình trên không gian ảo" - bà Dung cho hay.
Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM diễn các vở kịch “Những câu chuyện không ngờ” cho công nhân. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Để tăng cường sức đề kháng cho CN trước những tin giả, tin độc, trên trang Facebook với hàng ngàn lượt thích của mình, LĐLĐ quận 8 luôn chủ động đăng các thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, nhất là những chính sách có ảnh hưởng đến lực lượng CNVC-LĐ.
Bên cạnh đó, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề "Sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả trong công tác truyền thông" giúp người lao động biết các bước kiểm định, xem xét tính logic, phân tích các mặt tích cực và tiêu cực của thông tin để tránh việc chia sẻ thông tin không đúng sự thật và có thể bị phạt. Qua đó, giúp CN cân nhắc khi chia sẻ thông tin hoặc tham gia các trào lưu trên mạng xã hội.
Ngoài ra, LĐLĐ quận phối hợp các phường và Phòng Tư pháp đến tận các khu nhà trọ có đông CN (như khu nhà trọ Ao Sen, khu nhà trọ Xuân Hà, khu lưu trú CN Công ty CP Nhôm Nhựa Kim Hằng…) thông tin về Luật An ninh mạng cũng như các chính sách pháp luật về lao động cho cán bộ Công đoàn và người lao động.Mới đây, LĐLĐ quận cũng tổ chức chương trình Giờ thứ 9 kết hợp với tuyên truyền pháp luật đến hàng trăm CN tại khu nhà trọ Ao Sen và các khu trọ lân cận. Chị Nguyễn Thị Năm, CN Công ty TNHH 3Q Vina, cho biết CN rất cần các chương trình này vì vừa được vui chơi vừa được bổ sung kiến thức cần thiết.
Tránh xa thông tin độc hại
Đầu tháng 6-2023, phóng viên Báo Người Lao Động có cơ hội tham gia buổi sinh hoạt quý II/2023 của Câu lạc bộ (CLB) Lý luận trẻ thuộc Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM. Buổi sinh hoạt có chủ đề "Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn".
Tại đây, các thành viên CLB được nghe ông Nguyễn Văn Bốn, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng thành phố; chị Nguyễn Thị Hải Hà - chuyên viên Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên Sở Nội vụ, Công dân trẻ tiêu biểu TP HCM năm 2022; vận động viên Nguyễn Phước Đến - Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam - chia sẻ về quá trình công tác, phấn đấu của mình. Tuy nội dung khác nhau nhưng câu chuyện mà các khách mời chia sẻ đều có mẫu số chung là niềm tin vào Đảng, Bác Hồ đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hải Hà cho biết đã tham gia CLB Lý luận trẻ này từ những ngày mới thành lập. "Người trẻ rất dễ hấp thu các thông tin - nhất là những thông tin tiêu cực, nóng sốt sẽ được quan tâm và tiếp cận rất nhanh - nhưng không phải ai cũng nhận diện được đó là thông tin đúng hay sai. Cho nên đây là mô hình rất hay và hiệu quả trong giai đoạn mở với nhiều thông tin đúng sai lẫn lộn như hiện nay" - chị Hà nói.
Anh Trần Anh Tiến - Phó Bí thư Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM, Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ của Khối - cho biết CLB được thành lập vào tháng 2-2015 với mục đích tập hợp những cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên yêu thích và có khả năng nghiên cứu, trao đổi về lý luận, chính trị, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Khối, thành phố và đất nước.
Anh Tiến cho hay ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Đoàn Khối xác định chủ đề sinh hoạt của CLB Lý luận trẻ gắn với thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Khối, những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hằng ngày như chủ đề "Sử dụng mạng xã hội đúng đắn, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" gắn với triển khai Luật An ninh mạng; chủ đề "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - Mệnh lệnh từ trái tim" gắn với triển khai Đề án 05 của Ban Thường vụ Thành ủy về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet, mạng xã hội trên địa bàn thành phố...
"Thông qua những chủ đề sinh hoạt, thành viên CLB Lý luận trẻ đã kịp thời thông tin, định hướng các chủ trương của Đảng và Nhà nước, TP HCM, Đảng ủy Khối đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tại đơn vị. Qua đó góp phần nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận của đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tại đơn vị" - anh Tiến nói.
Thành viên CLB Lý luận trẻ của Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM nghe khách mời chia sẻ tại buổi sinh hoạt. Ảnh: LÊ VĨNH
Tương tự, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Cần Thơ đã có nhiều cách làm hay để sinh viên hướng đến những điều tốt đẹp và tránh xa thông tin độc hại trên mạng xã hội. Chị Trần Thị Thủy Tiên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho biết hằng năm, Đảng ủy trường tổ chức và chỉ đạo Đoàn trường thực hiện cuộc thi "Olympic các môn khoa học lý luận chính trị và tư tưởng Hồ Chí Minh" để khuyến khích các bạn tìm hiểu về nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thu hút khoảng 15.000 - 30.000 sinh viên tham gia.
Khoảng 3 năm nay, Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức tọa đàm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và mỗi năm chọn một chủ đề theo dòng thời sự. Năm đầu tiên chủ đề là quyển sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Năm thứ 2 là vai trò thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Năm nay chủ đề là vận dụng tư tưởng của "Đề cương văn hóa Việt Nam" trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự lực tự cường của sinh viên. Cuộc thi năm nay đổi mới hơn là sinh viên không chỉ ngồi nghe mà còn tham gia bằng tham luận và có khoảng 120 bài.
"Cuộc thi này được sinh viên các khoa hào hứng tham gia. Qua cuộc thi, giúp sinh viên nhận thức rõ một trong những nhiệm vụ của tổ chức Đoàn cũng như sinh viên, thanh niên hiện nay là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" - chị Thủy Tiên nói.
Nguồn tư liệu tham khảo chính thống
Để nắm bắt dư luận trong CN, người lao động tại nơi làm việc, nhất là những vấn đề bức xúc chính đáng, hợp pháp của họ, Bí thư Chi bộ KCN Đông Nam (huyện Củ Chi, TP HCM) Nguyễn Trọng Nhân đã thành lập Tổ CN nòng cốt với 21 người, gồm các đảng viên, đoàn viên Công đoàn, đoàn viên thanh niên. Tổ CN nòng cốt còn lưu ý những âm mưu của kẻ xấu, các thế lực thù địch nhằm lôi kéo, gây rối an ninh trật tự, chống phá cách mạng; âm mưu "diễn biến hòa bình" hoặc gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc... Ông Nhân còn tìm các tư liệu, chính sách mới của Đảng, Nhà nước gửi vào nhóm Zalo để giúp CN có nguồn tư liệu tham khảo chính thống, tránh bị tác động bởi các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)