Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mọi chính sách đều hướng đến con người là trung tâm, thực hiện "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Thực tế ở một Đảng bộ
Chúng tôi lấy 1 ví dụ cụ thể với một cơ sở Đảng ở cấp xã là Đảng bộ xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội để rõ hơn vấn đề.
Những năm qua, Đảng bộ xã Vân Hà đã lãnh đạo toàn hệ thống chính trị cơ sở thể hiện quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chính sách. Trong đó, công khai, minh bạch là điều bắt buộc trong quá trình thực hiện các chính sách; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến toàn thể người dân trong xã.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” .Ảnh: TƯ LIỆU
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vân Hà, cho biết việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện định danh điện tử cho công dân đã được tiến hành đồng bộ với các hoạt động thiết thực, cụ thể. Qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn; qua vận động tuyên truyền trực tiếp từ các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong nhóm Zalo của các thôn (được lập từ khi có dịch COVID-19, người dân thường sử dụng kênh này để tiếp nhận thông tin); qua cổng thông tin điện tử của xã; qua trang Zalo, Facebook cá nhân…, quá trình thực hiện chính sách trong nhân dân ngày càng đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm quyền lợi cho công dân sớm nhất, Công an huyện Đông Anh đã phối hợp với Công an xã Vân Hà thành lập một tổ thực hiện cấp mã định danh điện tử. Những lợi ích thiết thực của việc định danh cá nhân được người dân thấy rõ nên đồng tình ủng hộ. Điều đó góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06/QĐ -TTg của Chính phủ "Phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh xã Vân Hà còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh... tích cực tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự - trách nhiệm, quyền lợi, chế tài, những hành vi nghiêm cấm khi tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự... Từ đó, quá trình tổ chức thực hiện tạo được sự đồng thuận xã hội.
Có thể nói, chính sách sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình thực thi khi được công khai, minh bạch trong nhân dân; các vướng mắc của người dân đều được giải đáp kịp thời, thấu tình đạt lý, đúng pháp luật. Ngược lại, chính sách sẽ khó thực hiện hiệu quả khi cán bộ liên quan "xa dân", khi chính quyền cơ sở không thực sự gắn bó với người dân.
Cán bộ, đảng viên cần tiên phong, gương mẫu
Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách vào ngày 24-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chúng ta cần lắng nghe xem chính sách đã được chưa; còn sơ hở, vướng mắc điểm nào; làm gì để triển khai thuận lợi; mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào; mục tiêu sắp tới là làm gì; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, địa phương...?
Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở về việc công khai, minh bạch các chính sách, cần có sự chủ động, tích cực của cấp ủy Đảng và chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở; luôn hướng đến người dân, thực sự lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên, trong từng lời nói và việc làm đều phải thực sự là "công bộc của nhân dân", thực sự thực hiện đầy đủ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" hướng đến mục đích vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Kịp thời phát hiện, tôn vinh, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc; mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quá trình thực hiện công khai, minh bạch chính sách.
Trong quá trình thực hiện các chính sách, làm tốt những điều nêu trên sẽ tạo được sức "miễn dịch" trước mọi thủ đoạn, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Tăng cường truyền thông chính sách
Tháng 3-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Theo Chỉ thị 07, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm; linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện đến lúc ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách...
B.T.L
Bình luận (0)