Hình ảnh thường gặp hiện nay tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Thạnh (TP HCM) là có những lớp học mà phần đông học viên không phải là cán bộ, công chức, viên chức hay đoàn viên thanh niên mà là những người lớn tuổi.
Học được nhiều điều
Đó là những cô chú thuộc các chi hội phụ nữ, hội cựu chiến binh ở các phường trên địa bàn quận, tuổi hầu hết ngoài 50, thậm chí có người gần 70.
Họ tham gia những lớp bồi dưỡng sơ cấp lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác hội, chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng… theo chương trình bồi dưỡng hằng năm của Ban Tuyên giáo Quận ủy và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Thạnh.
Là học viên lớp sơ cấp lý luận chính trị học vào 18 giờ các buổi tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, kéo dài trong 18 buổi, cô Nguyễn Thị Xuyến (ngoài 60 tuổi; hội viên Hội Phụ nữ phường 7, quận Bình Thạnh) cũng như các học viên khác luôn đến lớp đúng giờ, học tập nghiêm túc.
Tuy tuổi cao và sức khỏe có phần hạn chế nhưng trong những buổi học, cô Xuyến đều tham gia tích cực bằng cách lắng nghe và ghi chép, cô còn tham gia phát biểu xây dựng bài.
Cô Xuyến cho biết hạn chế lớn nhất của những người lớn tuổi khi đi học là việc đọc tài liệu và ghi bài, vì mắt đã kém và tay đã chậm. Mặt khác, vì trước đây không có điều kiện tham gia các lớp học chính trị nên việc tiếp cận những nội dung bài học cũng có phần khó khăn hơn so với học viên trẻ tuổi. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của giảng viên và cố gắng từ bản thân, cô cũng đã nắm được một cách cơ bản nội dung chương trình và làm các bài kiểm tra đạt yêu cầu.
Còn với cô Huỳnh Thị Mai (66 tuổi), đi học chính trị tuy có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn nhưng rất vui, vì vừa được biết thêm nhiều kiến thức mới vừa có cơ hội gặp gỡ nhiều người cùng độ tuổi. Do đó, tuy phải học ban đêm cũng như còn phải dành thời gian cho gia đình và công tác của chi hội nhưng cô luôn cố gắng tham dự đầy đủ, đúng giờ.
Anh Lê Quang Nhựt (đoàn viên thanh niên Học viện Cán bộ, một học viên của lớp sơ cấp chính trị) bộc bạch: "Được học cùng lớp với các học viên lớn tuổi khác làm tôi thấy rất vui, vì qua đó học được nhiều điều, nhất là việc chấp hành nội quy và sự chịu khó lắng nghe, tiếp thu bài giảng của các cô chú".
Lớp sơ cấp chính trị tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Thạnh thu hút nhiều người lớn tuổi
Rất bổ ích và thiết thực
Lớp bồi dưỡng chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh dành cho cán bộ Hội Phụ nữ quận Gò Vấp do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp tổ chức với gần 100 học viên diễn ra trong 2 ngày (13 và 15-10-2020) thì hơn 90% người tham dự cũng là những học viên lớn tuổi, đã nghỉ hưu, đang là cán bộ các chi hội phụ nữ trên địa bàn.
Lớp bồi dưởng chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ Hội Phụ nữ quận Gò vấp
Theo đánh giá của ban tổ chức, trong tất cả những buổi học, các học viên đều đến dự một cách nghiêm túc, đầy đủ cũng như thể hiện sự tôn trọng đúng mực đối với báo cáo viên của lớp học.
Lần đầu tham dự lớp bồi dưỡng này, cô Lương Thị Nga (68 tuổi; Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ 94, phường 5, quận Gò Vấp) cho biết trước đây, khi tìm hiểu về Bác Hồ thì chủ yếu chỉ biết đến những câu chuyện đạo đức mà chưa có dịp tìm hiểu về tư tưởng của Bác. Qua lớp bồi dưỡng, cô hiểu thêm về những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó có điều kiện tuyên truyền thiết thực hơn cho đội ngũ hội viên của khu phố trong những buổi sinh hoạt chung. Do đó, cô cho rằng những lớp học như thế này rất bổ ích và thiết thực, nhất là với những người lớn tuổi vì việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế do sức khỏe và điều kiện.
Học viên Lương Thị Nga (68 tuổi) – Chi hội trưởng phụ nữ tổ 94, phường 5, quận Gò Vấp
Theo cô Lương Thị Nga, các cơ quan chuyên môn nên tổ chức thường xuyên hơn những lớp bồi dưỡng như thế này cho nhiều đối tượng khác nhau, vì biết thêm một điều gì mới cũng đều bổ ích và đáng quý.
Một số học viên trong lớp học khi được hỏi đều cho rằng trước đây, trong suy nghĩ của họ, chính trị là những vấn đề trừu tượng, khô khan. Song thông qua việc hướng dẫn nghiên cứu và truyền đạt của báo cáo viên, họ thấy các kiến thức chính trị trở nên rất gần gũi và dễ hiểu.
TS Trần Tuấn Duy, Trưởng Khoa Nhà nước - Pháp luật Học viện Cán bộ TP HCM, người đã nhiều lần đứng lớp báo cáo cho đối tượng học viên là những người lớn tuổi trong các chương trình bồi dưỡng chính trị, chia sẻ: "Trước người học là những cô chú có tuổi đời đã cao, đòi hỏi giảng viên phải có sự điều chỉnh nhất định về nội dung và phương pháp giảng dạy so với các đối tượng học viên khác. Về nội dung, giảng viên không cần tập trung nhiều về những vấn đề lý luận mà chủ yếu là cần có sự liên hệ với những vấn đề thực tiễn đang diễn ra để tạo sự gần gũi và thiết thực cho từng bài giảng".
TS Trần Tuấn Duy, Trưởng khoa Nhà nước Pháp luật - Học viện Cán bộ TP HCM, trình bày bài giảng cho một lớp học chính trị có nhiều học viên là người cao tuổi
Về phương pháp truyền đạt, TS Trần Tuấn Duy cho biết: "Giảng viên phải làm sao khuyến khích được sự tham gia của người học để có thể vừa khai thác được kiến thức thực tế của họ vừa tạo ra sự sinh động, lôi cuốn cho mỗi giờ lên lớp".
Có những thuận lợi nhất định
Theo ThS Trần Thị Hồng Loan, chuyên viên Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Bình Thạnh, những học viên lớn tuổi khi đi học các lớp bồi dưỡng về chính trị tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng có những thuận lợi. Đó là các cô chú thường đã có thời gian công tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau nên có vốn hiểu biết thực tiễn nhất định. Vì vậy, khi tiếp cận nội dung trong các chương trình bồi dưỡng chính trị, họ thường có sự liên hệ một cách cụ thể mà những học viên trẻ tuổi còn hạn chế, từ đó gợi mở ra nhiều vấn đề mới trong từng bài học.
Hơn nữa, chính sự nghiêm túc trong học tập của các cô chú cũng là một yếu tố làm cho những học viên trẻ tuổi cùng lớp trở nên ý thức hơn trong việc chấp hành quy định của trung tâm. Về kết quả học tập, qua đánh giá các lần kiểm tra hết học phần, tất cả học viên của lớp đều đạt yêu cầu, nhiều bài có kết quả khá là của những học viên lớn tuổi.
Bình luận (0)