Trong quá trình đó, việc hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật Đảng đã nhắc nhở chúng ta về sự liêm chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có sự kế thừa sâu sắc quan niệm đạo đức truyền thống của người phương Đông và phát triển nó lên một tầm cao mới gắn với thời đại mới. Người chỉ rõ: "Trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người".
Như vậy là Người đã nhấn mạnh cần - kiệm - liêm - chính có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời nhau và muốn có liêm chính thì phải thực hành cần, kiệm; sẽ không có được sự liêm chính nếu không rèn luyện cần, kiệm hoặc sống buông thả, xa hoa.
Và như vậy thì muốn thành người liêm chính, chúng ta phải cần cù, chịu khó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, luôn hướng tới sự đúng đắn trong mọi phương diện của đời sống và giữ mình liêm khiết, trong sạch, đúng mực trong các mối quan hệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định "con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" và Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động với tư cách là một công dân của xã hội mới "phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể".
Chính vì vậy, Người luôn quan tâm, chăm lo và coi trọng việc rèn luyện đạo đức liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp.
Theo Người, để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân thì cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cần đi đầu trong "quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí". Xây dựng được liêm chính trong nội bộ Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp là nền tảng để bảo đảm an ninh tư tưởng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thời gian qua, chúng ta đã thấy không ít cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật do tham nhũng. Đó chính là những cán bộ, đảng viên thiếu sự rèn luyện nên không đủ bản lĩnh trước những cám dỗ vật chất, không giữ được mình trong sạch nên sa vào hưởng thụ, tham lam, tham ô, nhận hối lộ, lạm quyền, lộng quyền rồi thoái hóa, biến chất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư"; "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân".
Người cũng nói rõ: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ... dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám".
Những điều Bác Hồ răn dạy chúng ta rất dễ hiểu, dễ nhớ. Vấn đề còn lại chính là ở sự rèn luyện của mỗi người.
Bình luận (0)