Ở nước ta, báo chí từng nói nhiều đến "văn hóa từ chức" và hành vi này được xem là chuyện "xưa nay hiếm" trong thực tiễn ở nước ta.
Thực trạng đáng suy nghĩ
Cần thấy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đại bộ phận công chức, viên chức (CC-VC) đều hướng đến việc nỗ lực cống hiến, tích cực làm ra nhiều công trình, sản phẩm đem lại lợi ích cho quốc gia, chí ít cũng mang lại những điều cần thiết cho cuộc sống bản thân.
Tại kỳ họp thứ 43, tổ chức từ ngày 2 đến 4-3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận về sai phạm xảy ra tại Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng Ảnh: UBKTTW.VN
Tuy nhiên, ở giai đoạn nào thì cũng có một bộ phận CC-VC được giao giữ các chức vụ nhưng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý; tắc trách trong quá trình thực thi công vụ, để cấp dưới lộng hành nhũng nhiễu dân, bao che nâng đỡ cho người làm sai một cách không trong sáng, "chữa cháy" có chủ đích cho những việc không nên hoặc không được làm, vụ lợi kinh tế gây thất thoát hoặc lãng phí ngân sách nhà nước... Cũng không hiếm trường hợp "đầu cơ chính trị" không trong sáng như o bế, nâng đỡ người thân, người có "dây mơ rễ má" vào các vị trí "béo bở" nhiều mặt.
Rất nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện, chỉ đưa ra kiểm điểm người sai phạm rồi xử lý theo kiểu "giơ cao đánh khẽ", cảnh cáo, khiển trách, giáng cấp hoặc "nghiêm túc rút kinh nghiệm", chứ hiếm ai tự từ chức, kể cả khi đã có kết luận rõ ràng của cơ quan thanh - kiểm tra. Cùng lắm là chấp nhận luân chuyển để tránh tiếng, chức tước thậm chí có trường hợp chuyển sang cả vị trí cao hơn chức vụ cũ (!?).
Có người suy rằng "văn hóa từ chức" chưa thẩm thấu vào trong nếp nghĩ của đội ngũ CC-VC chúng ta hiện nay. Điều này rất cần suy nghĩ.
Hình như quan niệm "một người làm quan cả họ được nhờ" còn tồn tại sâu trong nếp nghĩ của nhiều người. Điều này cũng tác động tiêu cực đến vấn đề tự giác từ chức của cán bộ ta. Thế giới quanh ta, đặc biệt ở các nước phát triển, khi sai phạm xảy ra, quan chức thấy mình có lỗi, không còn xứng đáng với chức vụ mình đang làm thì đệ đơn từ chức và họ xem đó là việc đương nhiên. Điều này cũng đáng cho chúng ta suy ngẫm.
Tự hành xử cho phù hợp
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm chính, chí công - vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Có nghĩa là ai không xứng đáng làm những điều như Bác Hồ đã dạy thì phải có cách tự hành xử cho phù hợp, kể cả việc từ chức.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã mang lại những kết quả đáng mừng, khôi phục lòng tin của nhân dân.
Chuyện "Đảng nói dân tin, mặt trận vận động dân theo, chính quyền làm dân hưởng ứng" đang lan tỏa ngày càng sâu rộng vào các phong trào thi đua yêu nước ở khắp nơi. Tuy nhiên, cũng còn một số CC-VC ở một vài nơi còn tỏ ra chủ quan, thỏa mãn nên có thái độ dừng lại, thậm chí không muốn tiếp tục thực hiện việc chống tham nhũng, lãng phí...
Trước tình trạng này, ngày 10-4-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ đã cảnh tỉnh chung: "Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm".
Phải luôn tự soi xét
Khi tinh thần "dẹp sang một bên" trở thành quán tính bình thường trong văn hóa công chức thì vấn đề từ chức sẽ không còn là chuyện "xưa nay hiếm". Thiết nghĩ, đảng viên với tố chất cần thiết là tính tiên phong, mỗi người phải luôn tự soi xét để thấy bản thân có đủ năng lực và phẩm chất trong cương vị được giao hay không, nếu không thì tự giác rút lui. Điều này mà làm được, trở thành phong trào thì rất có tác dụng cho việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và nhân dân.
Bình luận (0)