Nhiều người nhắc đến Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan với phong cách giản dị, gần gũi dân. Ngày nghỉ cuối tuần, ông thường đến các hội quán nông dân để nghe họ kể chuyện làm ăn hoặc đi cơ sở nói chuyện chuyên đề.
Nghe dân nói, nói dân hiểu
"Mình phải vừa lắng nghe vừa chia sẻ vừa tương tác để qua đó kết nối mọi người với nhau" - ông Lê Minh Hoan chia sẻ. Đích thân ông dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp sang Nhật Bản tìm hiểu thị trường lao động và tìm hướng đi mới cho nông sản tỉnh nhà. Mới đây, ông còn dẫn đầu đoàn đại diện các sở, ngành, địa phương cùng các hộ sản xuất điển hình của tỉnh đến Công ty CP Ba Huân (TP HCM) để tìm hướng hợp tác cung ứng nguồn trứng sạch cho công ty.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ với bộ đội chuẩn bị xuất ngũ về việc đi lao động ở nước ngoài
Thấy lãnh đạo tỉnh như vậy, nhiều cơ sở Đảng, cán bộ, đảng viên ở Đồng Tháp cũng noi theo, hướng về cơ sở, gần dân để thực hiện tốt công tác dân vận. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy TP Cao Lãnh thực hiện mô hình "Xuống phố, về làng", nhằm đưa cán bộ, đảng viên xuống nghe dân nói, nắm tình hình, tạo sự gần gũi mật thiết giữa Đảng, chính quyền với dân.
Lực lượng Công an huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp xuống tận địa bàn dân cư cấp, đổi giấy CMND cho dân
Bí thư Thành ủy TP Cao Lãnh Phan Văn Thương nhìn nhận: "Mô hình này rèn luyện kỹ năng cho cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình và gắn với việc thực hiện học tập và làm theo gương Bác Hồ. Cán bộ, đảng viên đi cơ sở, xuống địa bàn dân cư còn thể hiện rõ nét về sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; gần dân, sát cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân".
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp có mô hình "Bộ đội về làng" để cán bộ, chiến sĩ cùng dân xây dựng cầu đường, vệ sinh môi trường; vận động người dân thay đổi nếp sống, nếp nghĩ, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Cán bộ, chiến sĩ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, qua đó để lại nhiều việc làm ý nghĩa, thắt chặt tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ với dân.
“Bộ đội về làng” giúp người dân làm hàng rào
Đại tá Trần Hữu Tài, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Với phương châm giúp dân, cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt quân - dân. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Công chức phải 6 biết
Dự buổi giải quyết các thủ tục hành chính lưu động ở ấp Long Hậu, chúng tôi mới nhận thấy rõ sự gần gũi của cán bộ xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) với dân. Sự ân cần, ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính cho những người cao tuổi, đi lại khó khăn.
Ông Phan Khắc Nhiệm (ngụ ấp Long Hậu) nói: "Trước đây, tôi làm giấy tờ phải đi lòng vòng mất rất nhiều thời gian và tốn chi phí đi lại. Giờ có cán bộ xuống tận địa bàn thực hiện hết sức nhanh chóng, chưa đầy 10 phút là xong việc. Cán bộ rất nhiệt tình, cái gì dân không biết thì hỏi, họ hướng dẫn ngay".
Mô hình giải quyết thủ tục hành chính lưu động được UBND xã Long Khánh A triển khai từ năm 2017 và được UBND huyện Hồng Ngự nhân rộng. Ông Phạm Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A, cho rằng xuất phát từ thực trạng người dân ở nơi xa chưa có điều kiện đến UBND xã giải quyết các loại giấy tờ, nên xã đã thành lập đoàn cán bộ, công chức đến tận địa bàn các ấp để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục hành chính lưu động, trả kết quả nhanh gọn. Chủ trương này được người dân đồng tình cao.
Tương tự, hằng tuần, cán bộ, công chức của tổ hỗ trợ giúp dân về thủ tục hành chính ở xã Tân Thuận Ðông (TP Cao Lãnh) xuống tận các ấp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục cho dân, nhất là các cù lao. Ông Lê Nhựt Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Ðông, cho biết: "Thấy việc đi lại của dân tốn nhiều thời gian và khó khăn nên xã lập tổ giải quyết thủ tục hành chính để hằng tuần cử cán bộ xuống giải quyết, dân khỏi phải đi đò đến UBND xã".
Cán bộ xã hỗ trợ dìu người lớn tuổi đến nơi làm thủ tục hành chính
Mô hình "Nụ cười công sở" ở xã Tân Quy Tây (TP Sa Đéc) trở thành điểm sáng trong cải cách hành chính, được nhân rộng toàn tỉnh với phương châm mỗi cán bộ, công chức phải 6 biết: "Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cảm ơn, biết xin lỗi". Người dân đến UBND xã thực hiện thủ tục hành chính được niềm nở đón tiếp, hướng dẫn giải thích tận tình.
Theo bà Trần Thị Kim Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quy Tây, tất cả hồ sơ được cán bộ, công chức giải quyết trả kết quả đúng hẹn cho dân. Nếu người dân đi làm ăn xa thì ưu tiên giải quyết trong ngày để giảm chi phí đi lại. UBND xã đã trang bị thêm máy để ép bản chính các loại giấy tờ trước khi trả kết quả, nhằm giúp dân bảo quản được lâu.
Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp cũng có nhiều việc làm thiết thực phục vụ nhân dân, như: cấp, đổi CMND lưu động; tổ chức diễn đàn "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân"; xuống địa bàn giúp dân chằng néo nhà cửa, sửa chữa cầu, đường nông thôn; tặng quà cho người già neo đơn, học sinh vượt khó học giỏi.
Chúng tôi có dịp chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tam Nông xuống tận địa bàn dân cư để cấp, đổi mới giấy CMND cho dân. Vừa làm xong thủ tục, ông Đặng Thanh Hùng (65 tuổi; ngụ xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) phấn khởi: "Mấy chú công an làm cho dân cảm thấy mát lòng!".
Bình luận (0)